Thứ Tư, 27/05/2020, 10:42 (GMT+7)
.

Ứng xử văn hóa với trẻ em trong gia đình

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị cha mẹ bạo hành vẫn còn xảy ra. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, gần 70% trẻ em thừa nhận bị cha mẹ đánh đập dưới nhiều hình thức. Người lớn trong gia đình thường lấy lý do bực bội, tức giận nên có những hành vi bạo lực với con ở nhiều mức độ.

Trẻ em có quyền được bảo vệ và nuôi dưỡng để phát triển toàn diện nhưng lại là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành nhất, đặc biệt là tại gia đình. Bởi trong thực tế, một bộ phận gia đình chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của gia đình với việc nuôi dạy, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

 Xây dựng gia đình hạnh phúc để góp phần phòng, chống xâm hại trẻ em  trong gia đình.  						        Ảnh: H.L
Xây dựng gia đình hạnh phúc để góp phần phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Ảnh: H.L

Xuất phát từ tâm lý kỳ vọng quá cao ở trẻ để mong trẻ sau này học giỏi thành tài dẫn đến việc cha mẹ thường xuyên thúc ép con học; đứa trẻ sẽ bị đôn đốc, thúc giục, răn đe… bằng nhiều cách, từ biện pháp nhẹ cho đến nặng. Thay vì hướng dẫn và rèn luyện cho trẻ tự học, đưa trẻ vào nền nếp thì cha mẹ lại căn thẳng, bất lực sử dụng những lời chì chiết, nhiếc mắng và cả sử dụng vũ lực để ép trẻ phải học và học.

Nhiều bậc cha mẹ hiện nay luôn nhìn thấy trẻ chỉ là những thiếu sót, lỗi lầm, mà ứng xử thiếu tôn trọng trẻ, luôn chê bai, quở mắng, trách phạt làm tổn thương tình cảm ở trẻ, từ đó trẻ sống trong mặc cảm, tự ti, hoặc ngang ngược bất chấp. Đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Khi đó, người lớn cho rằng, trẻ em không chịu học, không tương xứng với sự lo lắng của cha mẹ khi cung phụng vật chất vô điều kiện với trẻ, là không hiếu thảo, phụ lòng cha mẹ nên xúc phạm và bạo hành trẻ.

Nếu trẻ sống trong môi trường gia đình không tốt thì tâm tính của trẻ cũng thất thường, dễ ương ngạnh và nổi nóng, bộp chộp, thiếu suy nghĩ… Khi đến trường, trẻ đem theo những hành vi xấu đến lớp như không tuân thủ kỷ luật của nhà trường, thiếu tôn kính thầy cô giáo… Từ đó, trẻ có thái độ bướng bĩnh, buông thả trong học tập nên ảnh hưởng làm cho việc học ngày càng sa sút.

Những trận đòn roi thường xuyên từ tấm bé dễ dàng hằn sâu trong đầu đứa trẻ, khiến chúng sống nhút nhát, bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi lớn lên. Những đứa trẻ bị giáo dục bằng đòn roi, bằng bạo hành thường chai lì cảm xúc, là đối tượng rất dễ trở thành kẻ xấu, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mỗi khi cần.

Theo nhiều ý kiến phân tích, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình; một bộ phận gia đình tập trung làm kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, không quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em mà giao phó cho nhà trường.

Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cha mẹ ly hôn, ly thân; bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới trong gia đình diễn biến phức tạp… Trong khi đó, đối tượng trẻ em bị xâm hại rất đa dạng, hành vi biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay rất cần sự đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình, ông, bà, cha mẹ và các thành viên khác trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Cùng với đó, mỗi bậc cha mẹ không chỉ quan tâm,chăm sóc mà còn phải tôn trọng, hiểu đúng về con trẻ để việc giáo dục đúng, đạt hiệu quả. Cụ thể là phải tạo được sự gần gũi, thân mật, tin tưởng ở con trẻ, để con trẻ coi mình là những người bạn mà chia sẻ tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý bên trong, từ đó cha mẹ, ông bà có thể hiểu được các mối quan hệ, khát vọng, cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng, mong muốn, sở thích, lo lắng, niềm vui, nỗi buồn của con trẻ.

KIỀU LOAN

.
.
Liên kết hữu ích
.