.
BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH TIỀN GIANG:

Hướng về hậu phương

Cập nhật: 08:25, 13/08/2020 (GMT+7)

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy Quân sự tỉnh Tiền Giang đã làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng (QS-QP) địa phương. Đặc biệt, có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu được xác định trong nhiệm kỳ.

Kiểm tra  kỹ thuật băng bó cấp cứu tại Hội thao Quốc phòng học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra kỹ thuật băng bó cấp cứu tại Hội thao Quốc phòng học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH HẬU PHƯƠNG QUÂN ĐỘI

Tham gia nghĩa vụ quốc tế từ năm 1978 đến 1981, ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xuất ngũ về địa phương, nhưng không may bị mắc bệnh tâm thần. Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Tiền Giang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lập hồ sơ, giám định sức khỏe, kết quả tỷ lệ thương tật của ông Thanh là 86%.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, mỗi tháng ông Thanh được hưởng trợ cấp 4,9 triệu đồng. Bà Tạ Thị Nghĩa, vợ ông Thanh, nói: “Từ khi được giải quyết chế độ chính sách mừng lắm. Nhờ số tiền trợ cấp hằng tháng, tôi có điều kiện chăm sóc chồng và trang trải cuộc sống gia đình tươm tất hơn…”.

Ông Thanh là 1 trong 107 trường hợp quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đã phục viên, xuất ngũ không may mắc các chứng bệnh thần kinh, được tỉnh Tiền Giang giải quyết chế độ từ năm 2015 đến nay.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang đã giải quyết 48.390 hồ sơ chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 55 tỷ đồng; tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập đưa về nghĩa trang liệt sĩ 64 hài cốt liệt sĩ; xây tặng trên 100 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình đồng đội”, “Nhà đại đoàn kết” cho cán bộ tại ngũ, bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách, người có công; tổ chức 15 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 5.000 lượt đối tượng chính sách.

“Những con số trên tuy chưa nhiều, nhưng phần nào cùng với cấp ủy, chính quyền chăm lo tốt đối tượng chính sách, tô thắm truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, thể hiện tốt trách nhiệm của LLVT tỉnh đối với các thế hệ cha anh” - Đại tá Huỳnh Ngọc Huệ, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang nói.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH

Tỉnh Tiền Giang hiện có 46 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề và trung học phổ thông, với trên 45 ngàn học sinh, sinh viên (HS-SV). Từ năm 2000 đến nay, môn học Giáo dục Quốc phòng - An ninh (QP-AN) là nội dung chính khóa, tất cả HS-SV đều phải tham gia học tập.

Để nâng cao chất lượng môn học này, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch giáo dục QP-AN cho HS-SV; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm giảng dạy.

Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang Đỗ Duy Bình chia sẻ: “Bên cạnh kiến thức về chuyên ngành, kỹ năng sư phạm, giáo viên môn giáo dục QP-AN phải rèn luyện bản lĩnh, tác phong của một nhà giáo quân sự. Do vậy, hằng năm Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường chọn những giáo viên đủ tiêu chuẩn cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong giảng dạy. Ngoài tài liệu của Bộ GD-ĐT cấp, chúng tôi còn đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị giảng dạy: Tranh ảnh minh họa về địa danh, di tích lịch sử, truyền thống LLVT tỉnh. Ngoài ra, yêu cầu các giáo viên phải biên soạn giáo án điện tử, xây dựng biểu đồ, sơ đồ minh họa bằng hình ảnh, video clip. Hằng tuần, tháng đều tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, nhân rộng những kinh nghiệm hay…”.

Những năm đầu thành lập Trường Đại học Tiền Giang, bộ môn Giáo dục thể chất và QP-AN trực thuộc Khoa Sư phạm; đến ngày 30-10-2015, bộ môn này là đơn vị độc lập trực thuộc Ban Giám hiệu Nhà trường gồm 16 giảng viên. “Để khẳng định vị trí, ý nghĩa, vai trò của công tác giáo dục QP-AN, nhà trường thường xuyên lồng ghép giới thiệu vào các đợt học chính trị nghiệp vụ của giảng viên. Từ đó, giúp đội ngũ giảng viên đề cao trách nhiệm trong giảng dạy” - TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết.

Đại tá Lê Đức Thắng, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Kết quả kiểm tra hằng năm chiếm tỷ lệ trên 95% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi. Môn học này ngoài giúp HS-SV những kỹ năng cơ bản về quân sự, kiến thức về QP-AN, còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

LÂM - ĐỨC

.
.
.