.

Huyện Tân Phước: Tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 11:08, 05/08/2020 (GMT+7)

Tân Phước là một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Phước luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, đã lồng ghép các chương trình, kế hoạch và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững…

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp xóa nghèo bền vững của huyện Tân Phước (Trong ảnh, gia đình chú Lương Văn Nhu (xã Tân Lập 1) thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh long).
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp xóa nghèo bền vững của huyện Tân Phước (Trong ảnh, gia đình chú Lương Văn Nhu (xã Tân Lập 1) thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh long).

Một trong những thành công trong công tác này là ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã hình thành vững chắc trong nhân dân, được cụ thể hóa thông qua các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh.

DẤU ẤN GIẢM NGHÈO

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức tự vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của huyện đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, đầu năm 2016, huyện có 1.246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,2%; đến cuối năm 2019, chỉ còn 580 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,2%. Như vậy, giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện đã giảm được 5% hộ nghèo, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, trong giai đoạn 2016 - 2019, huyện không có hộ tái nghèo.

Đồng chí Đỗ Vũ Thuận, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, khẳng định: “Điểm nổi bật trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Tân Phước là địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Căn cứ vào đặc điểm tình hình và kế hoạch được giao, huyện đã chủ động thực hiện lồng ghép Chương trình Xóa khó giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội…”.

Với thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng/năm, xã Tân Lập 2 là một trong những xã tiêu biểu của huyện trong công tác giảm nghèo. Đồng chí Phạm Kiên Nhẫn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập 2, chia sẻ: “Mặc dù Tân Lập 2 là xã còn nhiều khó khăn, nhưng công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các kế hoạch giảm nghèo luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đồng thuận cao. Nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã vượt kế hoạch đề ra. Tiêu biểu có thể kể đến việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,3%”.

NHIỀU MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO HIỆU QUẢ

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Quí, cho biết: “Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh; trong đó tích cực vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng trong các ô đê bao khép kín, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây cho kinh tế cao như thanh long, chanh, mít, mãng cầu Xiêm, bưởi da xanh… Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn, từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất…”.

Trong 2 năm 2018 và 2019, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã Tân Lập 2 với Dự án chăn nuôi bò sinh sản; nhân rộng mô hình hỗ trợ cây trồng ở 2 xã Thạnh Tân và Tân Hòa Đông. Để giúp hộ nghèo có điều kiện về vốn sản xuất, kinh doanh, trong thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xét duyệt, giải ngân cho 1.412 lượt hộ nghèo, trên 2.000 lượt hộ cận nghèo vay, với số vốn trên 115 tỷ đồng; trên 300 lượt học sinh, sinh viên vay gần 10 tỷ đồng; gần 2.200 lượt hộ vay giải quyết việc làm… Gia đình chị Nguyễn Thị Nhanh, ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, trước đây là hộ nghèo của xã. Được sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, chị đã cải tạo ruộng khóm kém hiệu quả trở thành vườn chanh xanh tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Nhanh cho biết, nhờ sự hướng dẫn của các ngành chức năng và các đoàn thể, cùng với việc học hỏi trên mạng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gia đình chị đã quyết định chọn trồng giống chanh không hạt. Cây chanh cho trái quanh năm và năng suất cao nên cho thu nhập ổn định. Với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên, gia đình chị Nhanh đã có cuộc sống sung túc, với ngôi nhà khang trang và con cái được chăm lo ăn học. Bản thân chị Nhanh còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lập 2 biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự thành công…

Cùng với đó, nhiều công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bảo đảm phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, tất cả các xã trong huyện đã có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học, nhà văn hóa... Huyện còn đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí cho con em gia đình khó khăn; hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo. Mặt khác, công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm, trong thời gian qua các cấp đã vận động trên 5 tỷ đồng để xây dựng 196 căn nhà đại đoàn kết, giúp hộ nghèo an cư để lạc nghiệp…

Với những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tân Phước đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Thời gian tới, trên cơ sở sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Tân Phước sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực, chú trọng nâng cao đời sống người dân.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.