Thứ Sáu, 14/08/2020, 10:50 (GMT+7)
.
PHONG TRÀO KHỞI NGHIỆP TRONG ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN:

Cần nhóm lên ngọn lửa đam mê

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Tiền Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2017 - 2022, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi tỉnh nhà có nhiều chuyển biến tích cực, với những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, các chương trình đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) khởi nghiệp, lập nghiệp luôn được chú trọng tổ chức, khai thác có hiệu quả.

Lãnh đạo Ngân hàng Sacombank trao tặng sổ tiết kiệm khởi nghiệp cho thanh niên khởi nghiệp tại Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp.
Lãnh đạo Ngân hàng Sacombank trao tặng sổ tiết kiệm khởi nghiệp cho thanh niên khởi nghiệp tại Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp.

Các hoạt động đồng hành cùng ĐV-TN trong nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp, lập nghiệp được các cấp bộ Đoàn của tỉnh Tiền Giang chú trọng tổ chức thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư vấn, hỗ trợ ĐV-TN.

HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP

Công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho ĐV-TN, nhất là thanh niên khu vực nông thôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Tiền Giang thực hiện với nhiều hình thức như: Tổ chức “Sàn giao dịch việc làm”, “Ngày hội việc làm cho thanh niên”, “Tuần lễ việc làm cho thanh niên”... Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn khai thác có hiệu quả các nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội,...

Cụ thể, các cấp bộ Đoàn đã tư vấn, hướng nghiệp cho gần 200 ngàn lượt ĐV-TN, học sinh; phối hợp tổ chức giới thiệu việc làm cho 20.755 lượt ĐV-TN, trong đó có 9.565 ĐV-TN có việc làm; giải ngân trên 30 tỷ đồng cho gần 110 ngàn ĐV-TN. Hiện dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý toàn tỉnh là 195,8 tỷ đồng, với 7.951 hộ ĐV-TN vay. Các cấp bộ Đoàn thành lập 37 tổ hợp tác, hợp tác xã và 15 Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế…

Đối với công tác hỗ trợ ĐV-TN thực hiện các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, thành lập tổ hợp tác, Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn, tập huấn ĐV-TN khởi nghiệp như: Chương trình “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp”; tập huấn khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn, ĐV-TN về du lịch, xây dựng dự án khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, giải pháp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tập thể,...

Thông qua các hoạt động, Tỉnh đoàn, các tổ chức Đoàn trực thuộc đã hỗ trợ 20 dự án khởi nghiệp của ĐV-TN với tổng số tiền 600 triệu đồng. Tỉnh đoàn đang tiếp tục thẩm định và giải ngân các dự án cho ĐV-TN.

Anh Nguyễn Trường An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tài nguyên môi trường Thiên Phúc là một trong những điển hình ĐV-TN của tỉnh Tiền Giang khởi nghiệp thành công. Anh An cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai, anh làm việc Nhà nước được 8 năm. Đến năm 2019, anh mạnh dạn thành lập công ty Thiên Phúc, chuyên phân phối sản phẩm máy lọc nước.

Vượt qua những khó khăn của thời gian đầu đi vào hoạt động, đến nay, công ty của anh đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, với 50 đại lý trải khắp 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; qua đó, góp phần việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó có ĐV-TN tỉnh nhà.

NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN THÁO GỠ

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện các chương trình đồng hành ĐV-TN trong khởi nghiệp, lập nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do đa phần ĐV-TN đi làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp còn mang tính thời vụ; thị trường tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp chưa ổn định; nguồn vốn hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu của ĐV-TN...

Bí thư Huyện đoàn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang Lê Thị Thanh Sang cho biết, hiện huyện chỉ có duy nhất 1 tổ hợp tác là Cửa hàng rau quả sạch Cái Bè do ĐV-TN tự đóng góp kinh phí. Nhìn chung, hiệu quả các mô hình khởi nghiệp của ĐV-TN trên địa bàn huyện còn thấp; trình độ quản lý điều hành của ĐV-TN còn hạn chế; nhiều bạn trẻ chưa có tư duy, quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế cho bản thân. Ngoài ra, ĐV-TN còn thiếu kiến thức trong tìm kiếm thị trường, cơ hội, phân tích rủi ro và những kỹ năng cần thiết cũng như sự tự tin trong phát triển kinh tế…

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương cho rằng, nguyên nhân của một số khó khăn, tồn tại trong chương trình đồng hành với ĐV-TN trong khởi nghiệp, lập nghiệp là do tư duy của ĐV-TN còn hạn chế, chưa nhận thức đúng về khởi nghiệp. Một bộ phận thanh niên nông thôn hiện nay vẫn còn thụ động, chưa phát huy tinh thần tiến thân lập nghiệp. ĐV-TN chưa mạnh dạn khởi nghiệp, sợ rủi ro.

Ngoài ra, sự hạn chế về nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã cũng là “điểm nghẽn” trong việc tạo điều kiện cho ĐV-TN phát triển; đồng thời, cán bộ Đoàn cơ sở cũng không có điều kiện để hỗ trợ nội dung khởi nghiệp... Chính vì vậy, hiện nay, phong trào khởi nghiệp của ĐV-TN chỉ dừng lại ở khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thông thường chưa bắt tay vào khởi nghiệp sáng tạo,…

Theo đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương, để thực hiện có hiệu quả chương trình đồng hành với ĐV-TN trong khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ĐV-TN về các mô hình phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho ĐV-TN có những mô hình sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp cấp tỉnh.

Đồng thời, tuyên truyền trong ĐV-TN về những quy định pháp luật liên quan đến đất đai, hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế. Qua đó, giúp ĐV-TN nắm rõ và hiểu biết hơn về kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế của địa phương để cũng tham gia tạo nên phong trào khởi nghiệp rộng khắp.

LÝ OANH

.
.
.