Thứ Bảy, 29/08/2020, 08:43 (GMT+7)
.

Sở Tư pháp Tiền Giang 38 năm thành lập, đổi mới và phát triển

Sở Tư pháp Tiền Giang (tiền thân là Ban Pháp chế) được thành lập theo Quyết định 730 ngày 4-10-1982 của UBND tỉnh Tiền Giang. 

Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, ngành Tư pháp Tiền Giang luôn xác định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành luôn ra sức phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là đơn vị điển hình 5 năm liền của Bộ, ngành Tư pháp trong phong trào thi đua yêu nước.

Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc  với Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang vào tháng 6-2019.
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang vào tháng 6-2019.

LÀM TỐT CÔNG TÁC THAM MƯU, THẨM ĐỊNH CÁC VĂN BẢN

Từ năm 2015 đến nay, Sở Tư pháp Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 133 nghị quyết, trình UBND tỉnh ban hành 213 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); trong đó, Sở Tư pháp trực tiếp soạn thảo, trình HĐND, UBND tỉnh 13 VBQPPL, phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp.

Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 02 về việc tăng cường công tác xây dựng, ban hành VBQPPL và Quy chế phối hợp xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, tạo cơ sở phối hợp nâng cao chất lượng công tác VBQPPL trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác thẩm định VBQPPL luôn được chú trọng, nâng cao chất lượng và đảm bảo tiến độ. Đã thẩm định kịp thời, đúng quy định 4 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và 463 dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh; đóng góp ý kiến xây dựng 450 dự thảo văn bản của Trung ương và địa phương.

Việc kiểm tra, xử lý VBQPPL theo thẩm quyền được thực hiện tốt, kịp thời chấn chỉnh các sai sót, hạn chế, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, khả thi của văn bản khi được ban hành.

NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và địa phương có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật...

Thời gian qua, ngành đã tuyên truyền được 374.905 cuộc, cho hơn 11,93 triệu lượt người trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân và tổ chức.

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày Pháp luật (9-11); tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tổng kết 2 cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật” trên địa bàn tỉnh.

Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 1.073 Tổ hòa giải, với 6.891 hòa giải viên được bố trí đều khắp địa bàn các ấp, khu phố, cụm dân cư trong tỉnh; hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 86%.

Hội thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc” lần thứ III - năm 2016, đội Tiền Giang đoạt giải Nhất vòng chung khảo do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội.

Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) tiếp tục được tăng cường, nâng cao, bám sát yêu cầu định hướng của cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hằng năm, Sở Tư pháp Tiền Giang đều tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực hiện Kế hoạch công tác XLVPHC, TDTHPL trên địa bàn tỉnh trên các lĩnh vực chuyên đề, trọng tâm, liên ngành như: Quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phí và lệ phí, về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; lao động, việc làm; nông nghiệp, xây dựng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động..., vừa đáp ứng yêu cầu chung và yêu cầu thực tiễn địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TDTHPL.

Trong công tác hành chính tư pháp được tăng cường hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa công tác tư pháp thực sự gần dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu hiểu biết của người dân.

Sở Tư pháp Tiền Giang đã tổ chức tập huấn triển khai Phần mềm về đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp cho công chức hộ tịch cấp huyện, cấp xã.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện. Kết quả, toàn tỉnh đã đăng ký khai sinh cho 440.563 trường hợp, khai tử cho 58.930 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 78.986 cặp.

Công tác chứng thực tiếp tục giải quyết được khối lượng lớn nhu cầu của người dân, tổ chức. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã đã thực hiện chứng thực bản sao được 5.017.082 bản; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được 239.532 việc; chứng thực chữ ký người dịch được 19.451 việc; chứng thực hợp đồng, giao dịch được 107.993 việc.

Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công dân, từng bước được cải cách theo hướng đơn giản hóa và thuận tiện hơn cho người dân, đã cấp Phiếu LLTP cho 32.683 trường hợp (trong đó có 7.184 trường hợp đăng ký qua dịch vụ bưu chính, 1.541 trường hợp đăng ký trực tuyến); cung cấp cho Trung tâm LLTP Quốc gia, Bộ Tư pháp 1.357 thông tin LLTP bổ sung.

KIỆN TOÀN BỘ MÁY TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ

Bộ máy tổ chức, biên chế được kiện toàn, tinh gọn, đúng theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bảo đảm thống nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ luật sư tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng hoạt động ngày một nâng cao, có 81 luật sư thành viên thuộc Đoàn Luật sư tỉnh; 39 tổ chức hành nghề luật sư, 36 Văn phòng luật sư, 3 Công ty luật, 17 Chi nhánh, 15 Văn phòng giao dịch và 3 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Toàn tỉnh hiện có 17 tổ chức hành nghề công chứng với 34 công chứng viên. Hoạt động giám định tư pháp, thừa phát lại, đấu giá tài sản tiếp tục ổn định, ngày càng đáp ứng yêu cầu của người dân và tổ chức.

Công tác trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, từng bước nâng cao. Trung tâm TGPL Nhà nước đã trợ giúp được 1.650 vụ (việc), trong đó tiếp nhận và ra quyết định cử luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng tại toà án được 469 vụ (việc).

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các Phòng Tư pháp, Tư pháp xã tổ chức TGPL lưu động tại các xã, phường, thị trấn và các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đúng pháp luật quy định và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Tư pháp Tiền Giang đã tiến hành 71 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền phạt 200,5 triệu đồng. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường và phát triển.

Nhiều phần mềm được ứng dụng trong lĩnh vực hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp, văn phòng điện tử... đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị trong ngành.

QUAN TÂM CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Phong trào thi đua đã gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, thay đổi lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo động lực động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể tham gia.

Việc bình xét khen thưởng hằng năm đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, chính xác, kịp thời động viên phong trào, cổ vũ tinh thần của công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, ngành còn tổ chức nhiều phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh phát động như: Thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính”; “Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước”; thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở, Dân vận khéo - Dân vận chính quyền”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025...

Qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân đã bám sát nội dung, tiêu chí thi đua để cụ thể hóa thành các việc làm cụ thể hằng ngày, gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.

Nhiều năm liền ngành Tư pháp Tiền Giang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao, được tặng 6 Cờ thi đua và nhiều Bằng khen, được Bộ Tư pháp xếp hạng A (xuất sắc) từ năm 2016 - 2019.

Đặc biệt, phong trào thi đua của ngành Tư pháp luôn gắn kết chặt chẽ với phong trào ở địa phương. Từng cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp vừa là người quản lý nhà nước, vừa là người tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,  sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Từ đó, có nhiều thuận lợi trong việc triển khai thực hiện, được các ngành, các cấp và nhân dân đồng tình hưởng ứng.

NGUYỄN THỊ ĐANG
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang)

.
.
.