Thứ Bảy, 26/09/2020, 15:13 (GMT+7)
.
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH TIỀN GIANG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 938 VÀ 939

Đa dạng các mô hình, hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” với chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện đến 100% huyện, thành, thị và cơ sở hội.

Theo đó, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình tuyên truyền thiết thực, phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đó là mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ”, được Hội LHPN tỉnh tập trung hướng dẫn, chỉ đạo mỗi huyện, thành, thị hội khảo sát và chọn 1 cơ sở hội xây dựng mô hình này làm điểm vào năm 2019. 

Đến nay, các cơ sở hội đã nhân rộng gần 90 mô hình, với 1.825 thành viên, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ theo các giai đoạn tuổi, kích thích phát triển toàn diện các lĩnh vực ở trẻ độ tuổi này. Hỗ trợ cho các vùng khó khăn, trẻ em ít được chăm sóc và tiếp cận với giáo dục mầm non, tiểu học có chất lượng.

Sinh hoạt CLB Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN xã Tân Hòa Thành,  huyện Tân Phước.
Sinh hoạt CLB Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Tại Lễ ra mắt mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” của Hội LHPN xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang các chị đều cho rằng: Phụ nữ và trẻ em là thành phần quan trọng cần phải được chăm sóc và bảo vệ. Vì thế, khi Hội LHPN xã triển khai thành lập mô hình này là các chị đều nhiệt tình tham gia.

Sau lễ ra mắt, hơn 30 gia đình có trẻ nhỏ được trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc, giáo dục trẻ từ 0 - 8 tuổi; hướng dẫn thực hành và thực hành chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ, làm đồ chơi bằng vật liệu sẵn có, chơi với trẻ kích thích các lĩnh vực phát triển ở trẻ….

Chị Lê Thị Hồng Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Công Đông cho biết: “Trong năm 2019, huyện Gò Công Đông ra mắt mô hình điểm tại xã Tân Điền, hoạt động rất hiệu quả. Từ đầu 2020 đến nay, huyện đã ra mắt thêm 3 mô hình.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án 938 thì tùy vào tình hình thực tế từng đơn vị mà ra mắt những mô hình như: Tổ Phụ nữ sẵn sàng lên tiếng phòng, chống và bảo vệ trẻ em; Tổ Phụ nữ cho con học bơi; Câu lạc bộ (CLB) Gia đình nuôi dạy con tốt…, đều với mục đích chăm sóc và bảo vệ trẻ thơ”.

Cùng với đó, tùy vào điều kiện của mỗi cơ sở hội mà thành lập các CLB hoặc tổ, nhóm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em như: CLB Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; Tổ Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho phụ nữ; Tổ Giúp phụ nữ đơn thân vượt lên thoát nghèo; Tổ Không ngược đãi phụ nữ và trẻ em; Tổ Chăm sóc sức khỏe y tế cho phụ nữ yếu thế, Ấp Không bạo lực với phụ nữ và trẻ em; Nhóm Cha mẹ trong vai trò chăm sóc và phát triển trẻ thơ…

Cụ thể như, tại xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Hội LHPN xã đã thành lập 3 CLB: CLB Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Phụ nữ với pháp luật và Nhóm Cha mẹ trong chăm sóc, phát triển trẻ thơ, đã và đang hoạt động rất hiệu quả.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: “Trong thời gian qua, hoạt động của các CLB và Nhóm Cha mẹ trong chăm sóc, phát triển trẻ thơ của xã được các cấp đánh giá cao. Các anh chị trong CLB rất nhiệt tình, mỗi người là một tuyên truyền viên tích cực. Từ đó, những vụ (việc) liên quan đến lợi ích của phụ nữ và trẻ em đều được các thành viên đến tìm hiểu, tư vấn và lên tiếng bảo vệ…”. 

Thông qua các mô hình tuyên truyền, các cấp Hội LHPN tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng: Hội thi “Tuyên truyền phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em”; Diễn đàn “Vai trò của phụ nữ tham gia trong đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; Tọa đàm “Chia sẻ kỹ năng, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em”; sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; nói chuyện chuyên đề về “Phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang còn biên soạn, phát hành 3.000 quyển tài liệu truyền thông, 60.000 tờ rơi về “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em”, “Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân”; thông báo rộng rãi về Tổng đài điện thoại quốc gia 111 bảo vệ trẻ em để người dân và trẻ em chủ động tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới; cách thức lên tiếng trước các hành vi bạo lực và sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực cho trên 45.000 phụ nữ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ (việc) xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra mà Hội không lên tiếng kịp thời...

PHƯƠNG MAI

.
.
Liên kết hữu ích
.