Thứ Hai, 05/10/2020, 08:02 (GMT+7)
.

Tham vấn thanh niên về biến đổi khí hậu

Diễn đàn “Tham vấn thanh niên hành động vì khí hậu” tập trung vào 4 chủ đề đồng thời là 4 nhóm giải pháp được coi là có thể huy động được sự tham gia hiệu quả và mạnh mẽ hơn từ thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Thanh niên góp tiếng nói ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Thanh niên góp tiếng nói ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Ngày 4-10, hơn 70 thanh niên tham gia diễn đàn “Tham vấn thanh niên hành động vì khí hậu” lần đầu tiên được tổ chức. Đây là một hoạt động trong sáng kiến “Climate Promise-Thanh niên hành động vì khí hậu” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khởi xướng phối hợp thực hiện với các đơn vị.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong kịch bản phát triển thông thường không tính đến việc thực hiện các cam kết khí hậu, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn trên thế giới vào năm 2030.

Việt Nam đã cam kết tăng mục tiêu giảm khí thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường từ 8% lên 9% bằng nội lực và tăng từ 25% lên 27% nếu có sự hỗ trợ quốc tế (NDC cập nhật 2020). Hiện nay, các hành động khí hậu của Việt Nam đang ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu và dần chuyển dịch sang những giải pháp đồng lợi ích về thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các giải pháp này không đủ để giải quyết được những hệ quả lâu dài trong trường hợp nhiệt độ toàn cầu không được kiểm soát dưới ngưỡng 1,5 độ C như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris.

Tham gia diễn đàn lần này, các bạn trẻ sẽ được hiểu thêm về các chương trình nghị sự khí hậu và giới thiệu các sáng kiến của thanh niên hướng tới các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị COP26. 5 đại diện thanh niên khu vực miền Bắc sẽ chia sẻ tiếng nói của mình với Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trong quá trình thực hiện kế hoạch đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại Việt Nam.

“Chống biến đổi khí hậu cần sự hợp tác toàn cầu, sự tham gia và đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là thanh niên - người làm chủ tương lai. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng thanh niên để các bạn có thể tham gia chủ động và tích cực, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực nhằm xây dựng Việt Nam xanh hơn, bền vững và thịnh vượng hơn”, ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam nói.

Diễn đàn “Tham vấn thanh niên hành động vì khí hậu” sẽ tập trung vào bốn chủ đề đồng thời là bốn nhóm giải pháp được coi là có thể huy động được sự tham gia hiệu quả và mạnh mẽ hơn từ thanh niên. Các chủ đề này cũng là những nội dung được NDC Việt Nam đặc biệt ưu tiên vì còn nhiều khoảng trống trong hành động.

Cụ thể: Thanh niên trong tiến trình hoạch định chính sách và ra quyết định về khí hậu; thanh niên với các giải pháp dựa vào thiên nhiên; thanh niên trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo để giảm nhẹ.

“Sau 2 tháng đồng hành cùng các bạn thanh niên để tìm hiểu về biến đổi khí hậu và NDC, chúng tôi nhận các bạn rất thông minh, sáng tạo, năng động có tinh thần nhiệt huyết cao. Những vấn đề tưởng chừng rất khô khan như chương trình nghị sự khí hậu, NDC, qua sự diễn giải của các bạn đã trở nên rất sinh động, dễ hiểu và cũng rất gần gũi.

Chúng tôi tin rằng, khi được tạo cơ hội tham gia, thế hệ trẻ sẽ trở thành những người định hình các chương trình nghị sự cũng như là nguồn nhân lực mới, đem đến các giải pháp đột phá giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu NDC”, chị Nguyễn Minh Ngọc, phụ trách dự án khí hậu của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) cho hay.

Diễn đàn “Tham vấn thanh niên hành động vì khí hậu” là một trong ba tham vấn đang được tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Sau các tham vấn này, một báo cáo đặc biệt của thanh niên sẽ được tổng hợp và một lộ trình để thanh niên tham gia vào quá trình thực hiện NDC của Việt Nam sẽ được các tổ chức liên quan thúc đẩy.

(Theo http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Tham-van-thanh-nien-ve-bien-doi-khi-hau/409459.vgp)

.
.
.