.

Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Cập nhật: 07:34, 29/10/2020 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị 49 ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là Chỉ thị 49), 15 năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác gia đình (CTGĐ). Đặc biệt là nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong giai đoạn hiện nay.

TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN

Triển khai thực hiện Chỉ thị 49, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành thông tri, kế hoạch, chương trình thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình giai đoạn 2005 - 2010, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức triển khai quán triệt nội dung Chỉ thị 49 đến cán bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt cấp huyện, thị, thành cũng như tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân nhân.

Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu  nhiều năm liền. Ảnh: Thu Hoài
Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. Ảnh: Thu Hoài

Theo đó, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTGĐ với nhiều hình thức. Trong đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức cổ động trực quan, hội thi, hội diễn, liên hoan, nói chuyện chuyên đề vào các dịp lễ về gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25-11… Phối hợp Đài Phát thanh - truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc mở các chuyên mục, chuyên trang “Đời sống văn hóa”; “Vì trẻ em”; “Chuyện làng, chuyện phố”, phản ánh gương người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu ...

Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện lồng ghép vào các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cụ thể hóa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với các phong trào thi đua như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “5 không, 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, phong trào xóa khó giảm nghèo gắn nội dung phòng, chống bạo lực… Ngoài ra, 648 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và 292 Đội Phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn tỉnh đã thường xuyên lồng ghép truyền thông các chính sách về CTGĐ. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình chung tay chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Thu Hoài
Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Thu Hoài

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 49, kinh tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng ổn định và phát triển. Chất lượng cuộc sống của hộ gia đình được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc đã được các cấp, các ngành thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 90% hộ đạt gia đình văn hóa hằng năm; 1.011/1.020 ấp, khu phố văn hóa; 121 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị...

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CTGĐ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 49, thì vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện CTGĐ. Trong đó, công tác tuyên truyền ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên. Ban Chỉ đạo CTGĐ ở một số cơ sở chưa phát huy tốt vai trò chỉ đạo, điều hành CTGĐ. Các tệ nạn xã hội và tình trạng bạo hành trong gia đình, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em… đang là vấn đề gây cản trở lớn trong xây dựng gia đình hạnh phúc hiện nay.

Để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lê Văn Dũng, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 49, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với CTGĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền CTGĐ bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lồng ghép thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về CTGĐ cho đội ngũ cán bộ cơ sở...

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.