Thứ Sáu, 02/07/2021, 17:28 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để đạt mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng tiến tới BĐG. Đồng thời, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực đời sống gia đình, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững tỉnh nhà.

NHỮNG CHỈ TIÊU CỤ THỂ

Trong lĩnh vực chính trị, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50%. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc ở khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27%.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hướng đến giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần so với nam giới vào năm 2025. Đến năm 2025, có 80% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện và được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; 70% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50%  (ảnh chụp tại Công ty cổ phần may Việt Tân, trước khi dịch bùng phát).
Tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% (ảnh chụp tại Công ty cổ phần may Việt Tân, trước khi dịch bùng phát).

Trong lĩnh vực y tế, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức nhỏ hơn 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 15/100.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18 ca sinh/1.000 phụ nữ.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đến năm 2025 nội dung về giới, BĐG được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm. Tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85%.Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30%. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30%. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi.

Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về BĐG. Đến năm 2025, 100% tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về BĐG và cam kết thực hiện BĐG; 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 4 tin, bài về BĐG trên hệ thống thông tin cơ sở. Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang duy trì hằng tháng có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về BĐG...

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để đạt được chỉ tiêu đề ra trong thực hiện tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về BĐG.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về BĐG. Lồng ghép hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc BĐG trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG. Đưa nội dung về BĐG vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học.

Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nâng cao năng lực về BĐG cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về BĐG. Tổ chức triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15-11 đến 15-12 hằng năm.

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG ở các cấp; tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về BĐG. Phối hợp hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu BĐG, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực BĐG.

KIỀU LOAN

.
.
.