Thứ Ba, 07/09/2021, 16:52 (GMT+7)
.

Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống "bình thường mới"

(ABO) Đó là thông điệp được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, đề cập Kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 từ ngày 7-9 đến ngày 14-9-2021.

Kế hoạch tiếp tục truyền đi thông điệp về công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta; các giải pháp đồng bộ về giãn cách xã hội, điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự được người dân đồng tình; đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa ngay tại xã, phường, thị trấn, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong…

Đồng thời, Kế hoạch truyền thông cũng mong muốn truyền đi thông điệp về việc giãn cách xã hội để chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”; giãn cách xã hội là sự hy sinh, bởi vậy việc giãn cách xã hội phải làm triệt để và trong thời gian ngắn, đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh; dứt khoát không để tình trạng giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống Nhân dân, gây bức xúc xã hội.

Giãn cách đi cùng với xét nghiệm nhanh, 100% dân số thì hiệu quả chống dịch tăng gấp đôi... Có các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin hơn trong một đến hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin. Khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vắc xin thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…, cùng với việc mỗi người có ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng.

Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức Covid-19.
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Hạnh Nga).

Kế hoạch cũng gửi đi thông điệp Việt Nam luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; trong đó luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; có kế hoạch phục hồi kinh tế “thích ứng an toàn” với dịch bệnh trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành đang quyết liệt đẩy mạnh ngoại giao vắc xin nhằm đưa vắc xin về nước nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm cho Nhân dân; thông tin về việc chúng ta sẽ nhận hàng chục triệu liều vắc xin trong tháng 9-2021 và các hãng vắc xin đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao vắc xin cho Việt Nam.  

Cùng với đó là thông điệp “Thay đổi thói quen, nâng cao ý thức phòng dịch để tiếp tục sống” đối với người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Cuộc sống với virus SARS-CoV-2 luôn ở trong cộng đồng đòi hỏi phải điều chỉnh và giảm bớt nhiều hành vi sinh hoạt có “nguy cơ lây nhiễm cao” như tụ tập nhậu nhẹt, tụ họp đông người…

Kế hoạch nhấn mạnh đến việc phản ánh thực tế điều hành, chỉ đạo chống dịch tại các cấp chính quyền địa phương, trong đó chú trọng việc kiểm tra qua hệ thống trực tuyến ở những nơi đã triển khai xuống tận cấp phường, xã; ủng hộ phương châm “giao đầu kiểm tra đáy” để tăng cường hiệu quả giám sát, tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở. Phản ánh việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch, kiểm soát dịch, kiểm soát cuộc sống trong khi chuyển trạng thái và phục vụ điều hành kinh tế xã hội sau dịch. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số không phải là giải pháp tạm thời để đối phó với dịch bệnh mà là giải pháp chiến lược, lâu dài.

Bên cạnh đó, phân tích, so sánh cách triển khai các giải pháp chống dịch (cả giải pháp y tế và phi y tế) và đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương đang thực hiện giãn cách để tổng kết, chỉ ra cách làm, mô hình phù hợp, ưu việt của mỗi địa phương để các nơi khác tham khảo, phản biện xây dựng.

Có 2 việc phải làm tốt hơn trong thời gian tới để Nhân dân có niềm tin hơn vào những nỗ lực và kết quả chống dịch, khôi phục kinh tế của Chính phủ: Thứ nhất là phải có sự học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương để có cùng những cách làm hay, cách quản lý thống nhất, cách đánh giá thống nhất về nguy cơ dịch bệnh để áp dụng các biện pháp an sinh xã hội, chăm sóc F0 và theo dõi F1 ngay tại cộng đồng với đầy đủ thuốc men, phác đồ điều trị và các điều kiện đảm bảo an sinh, an toàn.

Thứ hai là phải có quy trình nghe dân, hỏi dân để làm cơ sở ra những quyết định đúng pháp luật, đúng với nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, để thực sự đúng với tinh thần chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra là “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Cần sớm có một “cẩm nang chống dịch” được tổng hợp từ kinh nghiệm thời gian qua tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương.

Có kế hoạch truyền thông về việc phải tiếp tục có chính sách đưa người lao động ngoại tỉnh đang bị kẹt ở TP. Hồ Chí Minh (tới đây có thể sẽ là Hà Nội và các tỉnh phía Nam) trở về quê an toàn theo nguyện vọng và theo khả năng. Đây là vấn đề rất nóng và cấp thiết, trong bối cảnh giãn cách tiếp tục kéo dài.

Tiểu ban Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin có phân tích, lý giải kỹ về các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch, sự thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, Nhân dân để phấn đấu quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm kiểm soát, dập dịch được sớm nhất, đem lại cuộc sống “bình thường mới” cho Nhân dân, trong đó có trẻ em được đến trường đúng nghĩa.

Thông tin về sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội; các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên; sự hưởng ứng, đồng tình, vào cuộc, chia sẻ, thông cảm của Nhân dân để thực hiện mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Có các bài viết, phóng sự chia sẻ bài học, kinh nghiệm, cách làm hay về phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương, địa bàn đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh (Quận 7, huyện Củ Chi - TP Hồ Chí Minh…).

Ngoài ra, thông tin về việc từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thông tin để người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến của dịch bệnh và sự nguy hiểm của dịch; hướng dẫn thêm các kỹ năng cụ thể bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

Báo chí kịp thời phản bác các thông tin trên mạng xã hội về các thảm trạng xã hội do dịch Covid-19 gây ra, không để người dân bị tác động tiêu cực; phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19.

PV

.
.
.