Thứ Ba, 11/01/2022, 15:42 (GMT+7)
.

Hương vị mứt chanh se duyên chồng vợ

Ngồi trước sân nhà sên mứt chanh, đôi vợ chồng đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhớ lại câu chuyện nên duyên chồng vợ của mấy mươi năm về trước.

Tìm đến gia đình chú Võ Minh Đức và cô Lê Thị Hồng Thắm ở xã Phú Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi được cô chú hướng dẫn cách làm món mứt chanh đãi khách ngày tết. Trong số hàng chục món mứt, trong đó có món mứt chanh. Để vị đắng của vỏ, vị chua của thịt chanh không còn là cả một quá trình kỳ công và kiên trì. Cũng nhờ món mứt chanh ngọt ngào này mà chú Đức và cô Thắm nên duyên chồng vợ.

Chú Đức và cô Thắm bên chảo sên mứt chanh của gia đình.
Chú Đức và cô Thắm bên chảo sên mứt chanh của gia đình.

Để rồi, hễ chú Đức thèm món mứt chanh là cô Thắm lại nổi lửa sên mứt, ôn lại kỷ niệm một thời gian khó. Trước năm 1975, trong lần tản cư sang tỉnh Đồng Tháp, chú Đức lần đầu được thưởng thức món mứt chanh, cảm nhận hương vị đặc biệt của nó khiến chú khoái khẩu; và chú quyết tâm tìm cho kỳ được người làm ra món mứt này. Sau đó không lâu, chú Đức biết được người làm món mứt chanh đó là một cô gái người làng Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có tài nữ công gia chánh, để rồi phải lòng nhau (năm 1976) và cô đã theo chú về làm dâu Tiền Giang.

Cô Thắm vừa dùng đũa trở miếng chanh trên chảo sên mứt, vừa chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm gia đình cô tổ chức 18 đám giỗ, mỗi lần giỗ là phải có món mứt chanh để dâng lên bàn thờ và đãi khách. Cô phụ giúp một tay trong việc nội trợ, được các bà và mẹ truyền lại cách làm món mứt chanh. Thấm thoát đã hơn 55 năm cô Thắm làm món mứt này.

Món mứt chanh độc đáo của cô Thắm.
Món mứt chanh độc đáo của cô Thắm.

Để làm món mứt chanh, đầu tiên phải lựa những quả chanh tròn đều, xanh mướt. Sau đó mài nhẹ trên nắp khạp để giảm bớt mùi hăng của vỏ. Kế đến ngâm với nước muối từ 5 đến 6 giờ để chanh bớt vị đắng. Lúc này, chanh đã chuyển sang màu vàng nhạt, cô dùng hơn chục cây kim may đồ gắn vào tàu dừa khô để xăm chanh.

Ở công đoạn này, nếu dùng dụng cụ xăm mứt để xâm chanh thì chanh sẽ bị bể, nên cô sử dụng cây kim may đồ để xăm, nếu xăm không đều thì chanh cũng sẽ bị bể và không đẹp. Để giúp chúng tôi hiểu rõ, cô lấy quả chanh đã ngâm muối xăm cho chúng tôi xem. Đôi tay xăm quả chanh thoăn thoắt, miệng nhẩm đếm từ 1 đến 10, cứ thế đi hết 1 vòng quanh quả chanh, đến khi hai đầu quả chanh chạm vào nhau là được.

Năm 2019, gia đình chú Đức vinh dự là 1 trong 40 gia đình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tham dự Hội nghị Biểu dương Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh Tiền Giang nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, góp thêm sắc màu vào vườn hoa văn hóa tỉnh nhà.

Sau đó cô dùng dao sắc khía quanh quả chanh tạo 6 hoặc 8 cánh và ép bỏ bớt hạt. Không ít lần xăm chanh cô không tập trung, bị kim đâm vào tay. Để chanh không còn vị đắng thì phải ngâm và xả với phèn chua liên tục. Sau một đêm ngâm và xả, cô luộc chanh và ướp đường. 1 kg chanh, cô ướp 800 gram đường và ướp thêm 1 đêm nữa.

Sáng hôm sau, cô Thắm bắt đầu sên chanh cho đến khi đường kéo chỉ non là vớt từng miếng chanh ra mâm để phơi qua 1 nắng. Như vậy, miếng mứt chanh đã hoàn thành. Mỗi mẻ mứt trung bình làm hơn 4 ngày. Nhìn vào miếng mứt chanh, có người nghĩ cô Thắm dùng phẩm màu để tạo nên màu xanh. Theo cô, bí quyết để miếng mứt chanh có được màu xanh là sử dụng chảo đồng thau để luộc và sên mứt.

Nghe danh cô Thắm làm mứt chanh, nhiều người đến nhờ cô truyền lại cách làm. Dù cô đã hướng dẫn thật lòng, nhưng ít ai làm được. Có người làm mứt chanh nhưng vẫn còn vị đắng hay không có màu xanh và bóng do phơi qua nhiều nắng. Do vậy, mứt chanh do cô Thắm làm ra được nhiều người tìm mua thưởng thức.

Mứt chanh của cô Thắm còn góp mặt trong các cuộc thi do xã và TX. Cai Lậy tổ chức.
Mứt chanh của cô Thắm còn góp mặt trong các cuộc thi do xã Phú Quý và TX. Cai Lậy tổ chức.

Bao năm gắn bó với chú Đức là bấy nhiêu năm cô Thắm cố gắng vun bồi hạnh phúc gia đình, cùng với chú nuôi dạy các con nên người và sống có ích cho xã hội (hiện tại 4 người con đều có nghề nghiệp ổn định). Để gìn giữ sự ấm êm dưới mái nhà chung, chú Đức chia sẻ: “Chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng.

Vào ngày cưới, cô dâu và chú rể trao nhẫn cưới cho nhau, với ý nghĩa nhắc nhở vợ chồng phải biết nhường nhịn và nhẫn nại để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cô và chú luôn lấy chữ “nhẫn” để cư xử với nhau...”. Không chỉ hòa thuận, hạnh phúc, mà gia đình chú Đức - cô Thắm còn được người dân nơi cư trú biết đến bởi sự gương mẫu, đi đầu tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng xã nhà ngày càng phát triển.

Trên bàn trà tiếp khách ngày tết, món mứt chanh đã trở thành chủ đề để mọi người hiểu hơn về món mứt tuy lạ mà quen. Không chỉ vậy, món mứt chanh có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. Mứt chanh của cô Thắm còn góp mặt trong các cuộc thi do xã Phú Quý và TX. Cai Lậy tổ chức.

VĂN THẢO

.
.
Liên kết hữu ích
.