.

Một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4-2022

Cập nhật: 20:27, 01/04/2022 (GMT+7)

Trong tháng 4, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý, có việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu từ ngày 1-4 và nâng trần làm thêm giờ đối với người lao động.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu

Trước sự leo thang của giá xăng, dầu trong thời gian gần đây, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này sẽ hỗ trợ giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân, bởi việc giảm thuế sẽ trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn.

Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tại phiên họp thứ chín diễn ra chiều 23-3-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.

Trong đó, xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31-12-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian áp dụng từ ngày 1-4-2022 đến hết ngày 31-12-2022. Từ ngày 1-1-2023, mức thuế này sẽ quay về mức cũ theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

4 nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại

Nghị định số 18/2022/NĐ-CP của Chính phủ về nghi lễ đối ngoại hiệu lực từ ngày 10-4-2022.

Theo Nghị định, nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại được quy định như sau: Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế.

Việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam.

Cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp nghi lễ đối ngoại trên cơ sở đối đẳng, có đi có lại; chú trọng xử lý các khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách.

Các trường hợp đặc biệt thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Nâng trần giờ làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

as
Công nhân làm việc trong xưởng may hàng xuất khẩu tại Garco 10, Tổng Công ty May 10. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết, số giờ làm thêm trong 01 năm được quy định như sau: "Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Nghị quyết quy định không áp dụng khoản 1 Điều này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: "Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng."

Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết này phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động. Khi tổ chức làm thêm giờ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4, Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, chính quyền địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2022. Quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Quy định tiền lương tính hưởng chế độ với viên chức quốc phòng thôi việc

Nội dung này được hướng dẫn tại Nghị định số 19/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc, có hiệu lực từ ngày 15-4.

Theo Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, một trong những chế đội với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là được hưởng trợ cấp một lần.

Cụ thể, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.

Trong đó, tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc, bao gồm tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

Ngày 18-2, Thủ tướng ban hành Quyết định 04/2022/QĐ-TTg quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Theo Quyết định, tại quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh ban hành kèm theo, có đề cập 9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh như sau: Quy hoạch đô thị; Giao thông đô thị; Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; An ninh, trật tự đô thị; Thông tin, truyền thông đô thị; Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị; Văn hóa, thể thao đô thị; Y tế, giáo dục đô thị;  Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Quyết định 04/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15-4-2022 và thay thế Thông tư 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24-1-2013.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nhung-chinh-sach-moi-dang-chu-y-se-co-hieu-luc-trong-thang-4/780943.vnp)

.
.
.