BÀI 1: Tốc độ nhanh, quy mô lớn
Tình hình sạt lở bờ sông tại Tiền Giang nói riêng và của hệ thống sông, rạch nói chung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ở mức báo động. Tình trạng này đã phá hủy nhiều công trình nhà cửa, đường sá hai bên bờ, gây tổn thất đáng kể về người và của.
Một trong những điểm chung của tình trạng sạt lở trên các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và trong khu vực ĐBSCL nói chung trong thời gian qua là diễn ra với tốc độ nhanh, quy mô lớn.
1. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trong những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch của tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ sạt lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.
Con đường hai bên sông Ba Rài với hàng loạt điểm đã và đang kè sạt. |
Theo số liệu thống kê trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 119 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 11.503 m, ước kinh phí xử lý khoảng 245 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ riêng tuyến sông Ba Rài chảy qua địa phận các xã Hội Xuân, Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) và xã Thanh Hòa (TX. Cai Lậy), có gần 20 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Đi dọc hai bên bờ sông trên vào những ngày cuối tháng 3, chúng ta không khó nhận thấy hàng loạt điểm đã và đang sạt lở cũng như đang chờ thi công. Đặc biệt, nhiều điểm còn hở hàm ếch, sụp sâu vào đường giao thông khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Chú Đặng Quang Hữu (ấp Hội Trí, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) cho biết, sau nhiều năm phần đất phía trước nhà dần bị thu hẹp, lòng sông ngày càng rộng thêm. Nay tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn khi điểm sạt lấn sâu đường giao thông huyết mạch, nhiều chỗ sạt lở gần tới thềm nhà.
Chủ tịch UBND xã Hội Xuân Dương Trần Trọng Quang cho biết, tình hình sạt lở diễn ra trên địa bàn xã Cẩm Sơn và Hội Xuân cặp tuyến sông Ba Rài, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đoạn đường dọc huyện lộ 54B và 54C, trong đó nhiều điểm sạt lở lấn sâu đến tận nhà dân.
Để đảm bảo an toàn và hạn chế thiệt hại cho người dân, chính quyền các địa phương đã sắp xếp lại lối đi tạm, cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; nghiêm cấm người dân lấy đất ven sông để làm mục đích riêng của mình; cấm hàng loạt các loại xe có trọng tải nặng đi vào địa bàn và tuyến giao thông có các điểm sạt lở.
“Cho đến thời điểm này, 13 điểm sạt lở trên địa bàn xã cơ bản được khắc phục đảm bảo người dân đi lại an toàn. Tuy nhiên, đối với tình trạng sạt lở, về lâu và dài phải có giải pháp căn cơ và phòng ngừa”- đồng chí Dương Trần Trọng Quang cho biết thêm.
Tình trạng sạt lở cũng đã và đang diễn ra trên địa bàn xã Cẩm Sơn, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và đời sống của người dân trên địa bàn. Trước tình trạng này, nhiều năm qua chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục từ nhiều nguồn và giải pháp khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Trần Văn Chín cho biết, trên địa bàn xã có 6 điểm sạt lở với chiều dài 360 m, có đoạn sạt gần 100 m buộc phải đầu tư 8 tỷ đồng để khắc phục. Chưa dừng ở đó, theo khảo sát địa phương, còn 4 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao với chiều dài 150 m, nếu không sớm có giải pháp khắc phục thì sẽ sạt lở bất cứ lúc nào.
2. Một số địa bàn của huyện Cai Lậy cặp các tuyến sông trở thành điểm nóng về sạt lở. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình cho biết, chỉ riêng trên địa bàn huyện có 52 công trình khắc phục sạt lở với tổng chiều dài 2.378 m, ước tổng kinh phí thực hiện khoảng 42 tỷ đồng.
Người dân qua lại khó khăn khi con đường nối liền giữa 2 xã Cẩm Sơn và Hội Xuân bị sạt lở hàm ếch hoàn toàn. |
Trong đó, 10 công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, 34 công trình đã lập hồ sơ khảo sát thiết kế, 7 công trình thi công đạt từ 80% khối lượng, 1 công trình chưa khảo sát thiết kế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Cai Lậy liên tiếp xảy ra 2 điểm sạt lở mới, với tổng chiều dài 87 m, sạt mất đê và tạo hàm ếch xảy ra trên địa bàn xã Long Tiên và xã Mỹ Long.
Nhìn tổng thể trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang trong khoảng 10 năm trở lại đây, theo Sở NN-PTNT, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ngày càng nghiêm trọng với quy mô lớn và đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2018, tỉnh đã tiến hành xử lý 655 điểm sạt lở bờ sông, kinh với tổng chiều dài hơn 50 km, với kinh phí hơn 238 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 110 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 24 km. Đặc biệt, trong 87 điểm sạt lở xảy ra trong năm 2019, huyện Cái Bè có 42 điểm, huyện Cai Lậy 31 điểm, TX. Cai Lậy 8 điểm và huyện Châu Thành 6 điểm. Trong năm 2021, Sở NN-PTNT cũng đã phối hợp xử lý 119 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 11.503 m.
Trước diễn biến của sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng phức tạp, những năm gần đây UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành nhiều quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại các địa điểm, gồm: Bờ kinh Bảo Định (TP. Mỹ Tho); đê biển Gò Công, đoạn từ cống Tân Thành đến cầu Rạch Gốc (huyện Gò Công Đông); bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và tại khu dân cư ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông)…
Theo đánh giá chung của Sở NN-PTNT, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa tỉnh diễn ra nhanh chóng từ năm 2010 đến nay, nhiều về số điểm sạt và nghiêm trọng về mức độ so với trước đó. Nhiều nguyên nhân cũng được đặt ra để lý giải cho hiện tượng sạt lở hiện nay.
Ngoài việc lượng phù sa đổ về bị giảm, việc xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông như: Đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng..., hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó gia tăng nguy cơ sạt lở; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển có xu hướng ngày càng dâng cao.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trong 20 năm qua, trung bình nước biển dâng cao từ 2 đến 3 mm/năm. Trước thực tế này, nhiều điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra.
THÁI AN - HOÀNG LONG