Thứ Tư, 15/06/2022, 15:18 (GMT+7)
.

Bạo lực gia đình, tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn BLGĐ, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam bình đẳng, hạnh phúc.

VẪN CÒN LÀ VẤN ĐỀ NHỨC NHỐI

Sau gần 15 năm thực hiện, luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống BLGĐ, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật trong phòng, chống BLGĐ, nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong gia đình. Bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi BLGĐ có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về BLGĐ do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy “bức tranh” hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ BLGĐ phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm, cụ thể: Năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021.

Trong khi đó, điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019 có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của Công an. Kết quả điều tra này cho thấy, năm 2019 BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc điều tra được thực hiện năm 2009, số vụ BLGĐ ở Việt Nam tăng lên.

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.		Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Tại Tiền Giang, theo báo cáo kết quả 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh ghi nhận 3.840 vụ BLGĐ được góp ý tại cộng đồng dân cư và ổn định sau góp ý là 2.993 vụ. Có 2.834 vụ BLGĐ được hòa giải tại cơ sở; số nạn nhân BLGĐ được tư vấn, giúp đỡ là 1.843 nạn nhân, được đưa đến cơ sở hỗ trợ là 543 người. Có 1 vụ BLGĐ phải áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; xử phạt vi phạm hành chính là 219 vụ.

Trong 3 năm (2018 - 2020), các cấp Hội LHPN tỉnh đã tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt sự việc, tư vấn, giúp đỡ 495 vụ hôn nhân gia đình và BLGĐ có chuyển biến tốt; kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, đề nghị ngành chức năng giải quyết trên 54 vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

VÀ NHỮNG KHOẢNG TRỐNG PHÁP LUẬT

Theo Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, những vụ bạo lực với tính chất rất nghiêm trọng xảy ra một phần do nhận thức pháp luật, trong đó có nhận thức pháp luật về BLGĐ còn hạn chế, một phần lớn là do những người trong cuộc sa vào tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu, ngoại tình...

Trước đây, người phụ nữ vẫn còn tư tưởng “xấu chàng hổ ai” nên không dám nói ra những vấn đề của nhà mình, chấp nhận bị bạo lực và bạo lực diễn ra âm thầm, ít có sự lên tiếng từ người trong cuộc. Hiện nay, nhận thức của phụ nữ từ thành thị tới nông thôn ngày càng nâng cao, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các phương tiện truyền thông lên tiếng nên những vụ BLGĐ không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, thậm chí có những vụ việc đã bị cả xã hội lên án, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Những vụ việc BLGĐ với tính chất nghiêm trọng để lại hậu quả vô cùng nặng nề và lâu dài, như cha mẹ ly hôn, con cái lớn lên trong sự bơ vơ, thiếu vắng cha mẹ; hoặc nạn nhân phải sống với thương tích do những vụ bạo lực gây ra suốt cả phần đời còn lại...

Tuy nhiên, phải thừa nhận một vấn đề tồn tại hiện nay trong việc ngăn ngừa BLGĐ là các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống BLGĐ.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ trong luật hiện hành còn khá phức tạp. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Luật cũng thiếu các quy định cụ thể về việc cứu người trong trường hợp cấp thiết, đặc biệt với các nạn nhân là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ cũng như các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế khác.

Việc phát hiện, báo tin về BLGĐ quy định tại Điều 18 Luật hiện hành cũng chưa làm rõ nội dung về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc BLGĐ. Thực tiễn cho thấy đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tới tính kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý vụ việc BLGĐ.

MAI HÀ

 

.
.
.