Thứ Hai, 27/06/2022, 15:03 (GMT+7)
.

Bí quyết "giữ lửa" hạnh phúc của gia đình ông Việt

Không chỉ cần cù lao động, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, gia đình ông Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1965) và vợ là bà Võ Thị Bé Nhỏ (sinh năm 1967), ngụ ấp 5, xã Bình Xuân (TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) còn là gia đình văn hóa tiêu biểu, nhiệt tình tham gia công tác xã hội, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương.

Được cán bộ văn hóa giới thiệu, chúng tôi đến gia đình ông Việt vào một ngày trung tuần tháng 6 và được ông kể về những năm tháng lập thân, lập nghiệp. Năm 1989, ông Việt lập gia đình với bà Nhỏ, rồi lần lượt sinh 3 người con. Cưới xong, vợ chồng ông Việt sống chung với cha mẹ và kinh tế gia đình chủ yếu từ 5.000 m2 đất lúa. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tích cực tìm giống lúa mới thích ứng với khí đậu, đất đai thổ nhưỡng vùng hạn, mặn nhưng làm lúa mãi mà gia đình ông Việt vẫn không khá lên.

Qua tìm hiểu và với sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp địa phương, năm 2016, vợ chồng ông Việt quyết định cải tạo đất ruộng trồng lúa lên liếp trồng đu đủ, rồi mít Thái. Mấy mùa đầu thu hoạch đu đủ, mít cho sản lượng tốt, đem về cho gia đình ông Việt nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, từ đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, hơn 1.600 gốc mít Thái vườn nhà ông Việt bị chết vì không có nước tưới, thế là coi như mất trắng.

Vợ chồng ông Việt chăm sóc dưa lưới trồng trong nhà màng.
Vợ chồng ông Việt chăm sóc dưa lưới trồng trong nhà màng.

Sau đó, ông Việt chuyển sang mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở vùng hạn, mặn. Nói về cơ duyên đến với mô hình này, ông Việt cho biết: “Trước đây, khi làm lúa, kỹ sư Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên đến gia đình tôi tổ chức tập huấn nông nghiệp và gia đình tôi trở thành địa điểm lai tạo nhiều giống lúa mới cho bà con trong vùng.

Tuy nhiên, trước tình trạng hạn, mặn diễn biến phức tạp, được cán bộ ngành Nông nghiệp và ngành Khoa học công nghệ giới thiệu mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng vùng hạn, mặn; đồng thời, tạo điều kiện cho vợ chồng tôi đi tham quan các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, trong đó có mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, vợ chồng tôi quyết định đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng”.

Theo ông Việt, ban đầu chi phí đầu tư nhà màng trên diện tích 500 m2 tương đối cao khoảng 200 triệu đồng, bao gồm: Khung sắt, màng phủ, lưới che và hệ thống ống dẫn nước tưới; còn kỹ thuật canh tác do cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học hướng dẫn chuyển giao trong suốt 2 mùa vụ.

Vụ dưa đầu tiên với 1.228 gốc dưa lưới, cho năng suất từ 1,5 đến 1,8 tấn, với mức giá trên 30 ngàn đồng/1 kg đã mang về nguồn thu cho gia đình ông Việt trên 45 triệu đồng, trừ chi phí thực lãi trên 20 triệu đồng, đến vụ thứ hai cho thu nhập cao hơn. Từ vụ thứ 3 trở đi khi nắm vững kỹ thuật, vợ chồng ông Việt tự làm, không có cán bộ nông nghiệp hỗ trợ vẫn cho hiệu quả tốt. Hiện vợ chồng ông mở rộng đầu tư thêm 3 nhà màng mới để phát  triển trồng dưa lưới.

“Nếu so với tập quán truyền thống trước đây trồng rau màu trên đất rẫy ngoài tự nhiên, thì công nghệ nhà màng sẽ giúp người trồng yên tâm hơn vì khỏi phải lệ thuộc vào thời tiết mưa nhiều hay ít. Hệ thống màng có thể khống chế nước mưa, điều tiết ánh sáng, ngăn được gió, giúp cho cây trồng bên trong có được ẩm độ, ánh sáng thích hợp. Bên cạnh đó, nhà màng còn ngăn côn trùng nên tránh được nguy cơ sâu bệnh xâm nhập, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm làm ra đảm bảo sạch, an toàn” - ông Việt phân tích.

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng ông Việt còn tích cực tham gia công tác tổ, hội ở địa phương, hỗ trợ bà con địa phương vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, ông Việt thuê 5 nhân công thực hiện các công đoạn chăm sóc dưa lưới, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Không những vậy, ông Việt còn hỗ trợ chuyển giao mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho nhiều nông dân ở địa phương, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Khi chúng tôi hỏi về bí quyết “giữ lửa” trong gia đình, để vợ chồng gắn bó nhau từ nghèo khó đến khi khá giả, con cái khôn lớn trưởng thành, bà Nhỏ cho biết: “Ngày xưa, ông bà ta hay nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, chồng giận thì vợ bớt lời - cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê, được tôi luôn áp dụng vào thực tế cuộc sống gia đình mình. Mỗi lần chồng tôi nóng giận thì tôi im lặng, để khi bớt giận thì lựa lời nói với tinh thần xây dựng. Trong gia đình, mọi việc vợ chồng đều thảo luận với nhau, thống nhất thì làm, chứ không che dấu bất cứ việc gì. Sống với nhau quan trọng ở chỗ hiểu và tin tưởng nhau”.

Chính việc thuận vợ thuận chồng, cần cù lao động và tích cực trong các phong trào ở địa phương, gia đình ông Việt trở thành một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của TX. Gò Công nhiều năm liền và được các cấp biểu dương, khen thưởng.

GIA TUỆ

.
.
.