Thứ Bảy, 31/12/2022, 14:51 (GMT+7)
.

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước

Khi mức sinh đã giảm thấp một cách vững chắc, mô hình “Gia đình 2 con” trở nên phổ biến, Nghị quyết các đại hội của Đảng định hướng mở rộng dần phạm vi của chính sách dân số, vượt khỏi khuôn khổ kế hoạch hóa gia đình; giải quyết những vấn đề dân số mới như cơ cấu “dân số vàng”, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh và đặc biệt là tình trạng chất lượng dân số chưa cao.

THÁCH THỨC CÔNG TÁC DÂN SỐ

Công tác dân số của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng đã đạt được những thành công vượt bậc trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại và những khó khăn, thách thức phải tiếp tục phấn đấu vượt qua. Đó là mức sinh đã xuống thấp dưới mức sinh thay thế. Mặc dù những năm gần đây, Tiền Giang đã có những điều chỉnh chính sách, thực hiện các hoạt động truyền thông theo hướng làm tăng mức sinh, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tăng mức sinh trở lại. Năm 2022, Tiền Giang có mức sinh vẫn ở mức thấp 1,82 con, chưa đạt mức sinh thay thế (2,1 con).

Cùng chung tay nâng cao chất lượng dân số và thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.                                                                  Ảnh: P. NGHI
Cùng chung tay nâng cao chất lượng dân số và thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Ảnh: P. NGHI

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn, tuy đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này, nhưng tỷ số giới khi sinh những năm gần đây vẫn biến động, có giảm nhưng chưa ổn định, chưa bền vững. Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có giải pháp thích ứng với già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình người Tiền Giang là 74,4 tuổi năm 2009, tăng lên 76 tuổi năm 2019, cao hơn bình quân cả nước (73,6 tuổi năm 2019).

Tiền Giang bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (tỷ lệ người cao tuổi 60 tuổi trở lên lớn hơn 10% tổng số dân), tỷ lệ này tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để thích ứng kịp với già hóa dân số; chưa phát huy khả năng, vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.

Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tình trạng người có điều kiện kinh tế khó khăn, ít có điều kiện nuôi dạy con tốt lại sinh nhiều con, trong khi người có điều kiện kinh tế khá giả lại sinh ít con ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dân số. Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh năm 2022 của Tiền Giang là 65%, cao hơn của cả nước nhưng chỉ tầm soát một số bệnh tật như bệnh down, tan máu bẩm sinh, các dị tật thai... Tỷ lệ tầm soát sơ sinh cao nhưng chỉ mới tầm soát được 4 bệnh. Tỷ lệ nam, nữ khám sức khỏe tiền hôn nhân rất thấp nhưng khó cải thiện do tâm lý lo lắng nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân, khám sức khỏe tốn kém tiền bạc, thời gian…

8 MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ

Thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, Tiền Giang đã và đang quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đã đề ra kế hoạch và giải pháp để góp phần thực hiện tốt 8 mục tiêu cụ thể của Chiến lược Dân số đến năm 2030.

Mục tiêu 1: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Mục tiêu 2: Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 ngàn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi; duy trì tỷ lệ tăng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 ngàn người cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 ngàn người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.

Mục tiêu 3: Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

Mục tiêu 4: Nâng cao chất lượng dân số. Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm; Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu 5: Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Mục tiêu 6: Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc; 100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành Dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu 7: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm.

Mục tiêu 8: Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

MAI HÀ

 

.
.
.