.

"Mái nhà chung" của những mảnh đời bất hạnh

Cập nhật: 20:39, 22/03/2023 (GMT+7)

Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ngoài việc thực hiện tốt chế độ bảo trợ xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) tỉnh Tiền Giang cùng các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực để giúp đỡ các NNCĐDC từng bước ổn định cuộc sống.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC

Có thể nói rằng NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Tiền Giang là 1/33 tỉnh của cả nước được Chính phủ xác nhận bị Mỹ rải chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh. Theo số liệu thống kê của Hội NNCĐDC tỉnh, hiện tổng số nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh là 11.817, rải khắp 11 huyện, thành, thị; nhiều nhất là huyện Cái Bè, Châu Thành mỗi nơi trên 2.000 nạn nhân.

Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang trao nhà tình thương cho gia đình NNCĐDC  có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Châu Thành.
Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang trao nhà tình thương cho gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Châu Thành.

Hội NNCĐDC tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho nạn nhân cũng như các đối tượng là người khuyết tật, bệnh hiểm nghèo với các chương trình chủ yếu của Hội như: Vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo; học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh; chương trình chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC; hoạt động nhà nhân ái chăm sóc trẻ em khuyết tật; khám bệnh, cấp thuốc, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Các hoạt động của Hội đều nhận được sự ủng hộ, chung tay của nhiều mạnh thường quân, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. 

Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang Dương Thị Lệ cho biết: “Dù còn khó khăn trong công tác vận động, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh cùng các công ty, doanh nghiệp, các nhà tài trợ cùng với sự nhiệt tình của cán bộ Hội luôn chăm lo cho NNCĐDC. Trong quý I-2023, Hội đã vận động tặng 16.767 phần quà, 2 xe lăn, xây 1 căn nhà; khám, chữa bệnh, phát thuốc cho 20 nạn nhân với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng cho các đối tượng là gia đình chính sách, NNCĐDC, hộ nghèo, trẻ em mồ côi và người khuyết tật”.

CHỖ DỰA VẬT CHẤT LẪN TINH THẦN

Có những nụ cười không trọn vẹn vì khuyết tật nhưng các NNCĐDC đã ấm lòng hơn khi đến với Hội khi được sẻ chia, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Em Phạm Thành Kiệt (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) bị ảnh hưởng chất độc da cam nên bị “khoèo chân” từ khi mới lọt lòng mẹ, không những vậy mà tay em cũng bị ảnh hưởng, cầm viết không vững, phát âm thì không rõ chữ. Tuy vậy, em luôn cố gắng học tốt; nhờ đó, suốt 9 năm liền Kiệt luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của lớp.

Bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang đang từng bước khẳng định vai trò là chỗ dựa vững chắc, là “mái nhà chung” của các NNCĐDC; đồng thời là nơi kết nối những tấm lòng nhân ái, sẻ chia của cộng đồng đối với các NNCĐDC trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ với chúng tôi, Thành Kiệt cho biết: “Trước đây, em hay mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh về cơ thể của mình nhưng kể từ khi em tham gia Hội NNCĐDC của xã, gặp gỡ những nạn nhân da cam còn nặng hơn mình; có người thậm chí còn không đứng được, không hiểu và không nói được… Từ đó, em thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người và không còn mặc cảm nữa mà cố gắng hơn trong học tập cũng như công việc”. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội NNCĐDC và Đoàn thanh niên xã Phú Tân, Thành Kiệt được giới thiệu học việc tại cơ sở hàn tiện do anh Trần Long Hải làm chủ, sau 9 tháng học việc, Kiệt được bố trí việc làm với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang Dương Thị Lệ cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường thêm các nguồn lực để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, cung cấp các phương tiện, dụng cụ để trợ giúp cho những nạn nhân bị bệnh tật nặng; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi về phát triển kinh tế. Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định lâu dài, nâng cao mức sống cho NNCĐDC”.

HỘI AN

.
.
.