Tiền Giang: Hiệu quả cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội
(ABO) Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là NHCSXH Tiền Giang) thực hiện phương thức ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội, đây là cách làm sáng tạo, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay. Qua đó, trợ lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
TÍN DỤNG CHO VAY ỦY THÁC TĂNG
Để cụ thể hóa nội dung ủy thác, NHCSXH Tiền Giang và 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tỉnh đã ký kết văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến hết năm 2022, 100% tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, 100% tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện ký kết văn bản liên tịch với NHCSXH cùng cấp.
Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Ban Quản lý Tổ TK&VV và các tổ viên; phối hợp với NHCSXH tổ chức thực hiện một số công việc liên quan đến quy trình cho vay, quản lý vốn vay, xử lý nợ, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.
Cùng với đó, phối hợp với chính quyền cùng cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình... Qua đó, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.
Việc quản lý nguồn vốn, giải ngân, thu nợ, hạch toán, theo dõi hồ sơ vay vốn do NHCSXH đảm nhận, trong đó việc giải ngân, thu nợ được thực hiện trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng có sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cai Lậy làm thủ tục vay vốn cho người dân. Ảnh Lê Minh |
Theo NHCSXH Tiền Giang, trong năm 2022, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng NHCSXH thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tăng so với năm 2021. Cụ thể tính đến ngày 31-12-2022, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 3.607.151 triệu đồng (chiếm 99,59% tổng dư nợ của NHCSXH); tăng 570.962 triệu đồng so với năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 18,81%.
Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân chiếm 44,13%, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 35,23%, Hội Cựu Chiến binh chiếm 12,09%, Đoàn Thanh niên chiếm 8,55%. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác đạt 1.312.447 triệu đồng (chiếm 94,94% tổng doanh số cho vay của NHCSXH).
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành Trần Thị Hoàng Quyên cho biết, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Tính đến hết năm 2022, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 380.320 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,53%/tổng dư nợ của Phòng Giao dịch huyện với 359 Tổ TK&VV, 12.643 hộ vay vốn còn dư nợ, tăng 61.789 triệu đồng so với năm 2021, tỷ lệ tăng 19,40%. Từ nguồn vốn vay người dân đã xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Thật vậy, theo đánh giá của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nguồn vốn chính sách kết hợp với sự hỗ trợ về đào tạo nghề, khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật đã hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh từ các tổ chức chính trị - xã hội, giúp cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, hội viên, đoàn viên có cơ hội thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hoạt động ủy thác đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, qua đó góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên củng cố, sắp xếp lại mạng lưới Tổ TK&VV theo địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, vận hành hoạt động tổ. Tính đến hết năm 2022, có 2.786 Tổ TK&VV (giảm 33 tổ so với năm 2021), với 105.784 tổ viên còn dư nợ; bình quân dư nợ 1.295 triệu đồng/tổ và 38 tổ viên/tổ; bình quân 1 khách hàng có dư nợ 34 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm 2021.
Tỷ lệ thu lãi tăng dần qua từng năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, giảm thiểu lãi tồn đọng. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm, phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác vận động tổ viên Tổ TK&VV tham gia thực hiên quy ước về tiền gửi tiết kiệm định kỳ hằng tháng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến ngày 31-12-2022, 100% Tổ TK&VV có số dư tiền gửi tổ viên với 104.345 tổ viên tham gia, số dư tiền gửi đạt 252.787 triệu đồng.
Nhiều hộ dân vươn lên làm giàu bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh. |
NHCSXH còn phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội duy trì và tổ chức tốt việc giao dịch tại 170 Điểm giao dịch xã. Trên 94% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện tại Điểm giao dịch xã, đảm bảo chính xác, nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ ĐƠN VỊ NHẬN ỦY THÁC
Theo Giám đốc NHCSXH Tiền Gang Dương Văn Hoàng, qua kiểm tra, giám sát của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác kiểm tra, giám sát hằng năm chưa thực hiện kiểm tra khách hàng vay vốn. Một số nơi, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội được phân công chuyên trách theo dõi công tác ủy thác thiếu sự ổn định; tại một số địa bàn cấp xã chưa phân công cán bộ chuyên trách theo dõi và thực hiện hoạt động ủy thác đảm bảo tính ổn định, liên tục, ảnh hưởng đến việc theo dõi, triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Sự phối hợp giữa NHCSXH với tổ chức chính trị - xã hội có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, một số đơn vị chưa thực sự coi trọng hoạt động giao ban định kỳ, vì vậy, việc trao đổi, nắm bắt thông tin về triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đặc biệt là những tồn tại, khó khăn, vướng mắc chưa có giải pháp phối hợp chỉ đạo khắc phục triệt để…
Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền để hội viên, nhân dân hiểu về chính sách vay vốn ưu đãi từ NHCSXH tạo sinh kế, nang cao thu nhập. |
Tại hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 mới đây, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy cùng lãnh đạo NHCSXH các huyện đã thảo luận những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến các hạn chế còn tồn tại, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra nhiều giải pháp thảo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo NHCSXH Tiền Giang, phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, NHCSXH tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023, đặc biệt là giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để kịp thời khắc phục các tồn tại sai sót để đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, đúng quy định.
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Động viên, khích lệ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay.
Tiếp tục gắn kết 4 nhà (ngân hàng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Tổ TK&VV) cùng chung tay giúp người nghèo, đối tượng chính sách biết sử dụng vốn vay, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
HOÀI THU