Thứ Sáu, 19/05/2023, 20:32 (GMT+7)
.

Nhiều quy định mới nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 14-11-2022 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Để kịp thời triển khai các chủ trương, quan điểm của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo Luật được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, trong đó có nhiều quy định mới. Cụ thể, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình. Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Chồng/vợ cưỡng ép quan hệ tình dục có thể phải lao động công ích

Tại điểm i khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Theo đó, trong trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình là thực hiện phục vụ cộng đồng thì vợ hoặc chồng có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn phải chấp hành theo quy định.

Biện pháp thực hiện phục vụ cộng đồng theo Điều 33 đó là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực cộng đồng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cụ thể, trong Luật có nêu biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Cùng với đó, điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí, cơ sở dữ liệu; phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình...

TRIỂN KHAI KỊP THỜI, HIỆU QUẢ

Vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Mục đích là nhằm kịp thời triển khai các chủ trương, quan điểm của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; đảm bảo Luật được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1-7 sắp tới.

Với kế hoạch này, UBND tỉnh Tiền Giang xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật, đảm bảo Luật được thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật.

UBND tỉnh và cấp huyện sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và biên soạn, cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản có liên quan. Rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp với nhiệm vụ của Luật quy định và tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Song song đó, chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện.

MAI HÀ

.
.
.