Thứ Hai, 12/06/2023, 08:36 (GMT+7)
.

Chuyện anh kỹ sư không thích "đi theo lối mòn"

Tại buổi Lễ tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” lần thứ XIV năm 2023 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Bình Dương, Tiền Giang có 3 người được tuyên dương, trong đó có kỹ sư Phạm Minh Trung đang làm việc tại Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

“Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thường niên; là phần thưởng cao quý nhằm tôn vinh, khen thưởng những người thợ trẻ có tay nghề cao, thành tích xuất sắc trong lao động, giải pháp sáng tạo được áp dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội.

ĐAM MÊ SÁNG TẠO

Cứ mỗi ngày trong tuần, anh Trung vượt gần 30 km từ xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đến làm việc tại Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam. Không chỉ làm việc với tinh thần chăm chỉ, hăng say, anh Trung còn rất đam mê sáng tạo, nỗ lực hết mình đóng góp những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao tối đa hiệu quả sản xuất, ổn định và phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, anh Trung rất ham mê học hỏi, rèn luyện nhằm nâng cao kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn. Với anh Trung, niềm đam mê sáng tạo, hết mình với công việc sẽ không chỉ để mưu sinh, mà còn trở thành niềm vui, sự hứng khởi trong lao động. Anh Trung cho rằng, sáng tạo chính là bệ phóng để vươn lên, còn với doanh nghiệp thì có được người lao động yêu sáng tạo chính là sự may mắn để doanh nghiệp phát triển.

Kỹ sư Phạm Minh Trung nhận Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2023.
Kỹ sư Phạm Minh Trung nhận Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2023.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, anh Trung xin vào làm việc tại một công ty đồ gỗ ở tỉnh Bình Dương. Tại đây, anh Trung đã tạo ra nhiều công cụ hỗ trợ làm mới, tối ưu hóa gỗ ván ép… vừa ứng dụng vào thực tiễn công việc, vừa thỏa niềm đam mê sáng tạo.

Anh Trung chia sẻ: “Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đam mê nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi, học hỏi; từ đó tôi đã vận dụng những kiến thức được học vào thực tế lao động, sản xuất. Nhiều cải tiến đã giúp các công ty - nơi tôi làm việc tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận hằng năm. Đồng thời, thúc đẩy các phong trào thi đua, cuộc thi cải tiến tại doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu gia tăng về số lượng và chất lượng sản phẩm hằng năm từ phía khách hàng”.

"Phạm Minh Trung là một kỹ sư trẻ, những sáng kiến của anh không chỉ đóng góp vào sự phát triển của công ty, mà còn lan tỏa niềm đam mê sáng tạo, tận tụy vì công việc, làm chủ công nghệ đến với những người lao động khác. Với quan niệm đem lại lợi ích cho công ty cũng chính là niềm hạnh phúc của bản thân và gia đình công nhân, lao động.

Do đó ở bất kỳ vị trí công tác nào, mỗi công nhân, lao động cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, cải tiến, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc mà mình đảm nhiệm. Những sáng kiến của kỹ sư Minh Trung đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng hiệu quả sản xuất”.

BÍ THƯ CHI BỘ, CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY TNHH GIÀY APACHE VIỆT NAM LÊ THỊ NGỌC HÂN NHẬN XÉT

Đến năm 2016, anh Trung quyết định về quê, xin vào làm việc tại Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam cho đến nay. Được biết, trong quá trình làm việc, trung bình mỗi năm, anh Trung sẽ nghiên cứu sáng tạo ra một đề tài mới ứng dụng vào công việc.

Anh Trung cho biết: “Qua thực tiễn làm việc đã thôi thúc tôi không ngừng nghiên cứu, sáng tạo những thiết bị mới, phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Không nhớ rõ, nhưng cũng có trên dưới 10 sáng kiến của tôi từ khi ra trường đi làm cho đến nay được ứng dụng vào công việc của mình và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp”.

SÁNG KIẾN MANG LẠI HIỆU QUẢ

Có mặt tại các phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam, tận mắt chứng kiến công nhân làm việc, chúng tôi đã thấu hiểu được nỗi vất vả của công nhân, lao động nơi đây. Tuy làm việc cực nhọc nhưng hiệu quả lại không cao, điều này đã thôi thúc anh Trung, Trưởng Bộ phận cải tiến sản xuất của Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam phải cải tiến kỹ thuật, giúp công nhân, lao động làm việc đỡ vất vả và đạt hiệu quả hơn.

Anh Trung đang làm việc tại công ty.
Anh Trung đang làm việc tại công ty.

Hình thể giày Breaknet theo lưu trình ban đầu cần phải đánh dấu định vị trên gót và mũi giày ở chuyền may, sau đó mới đến các công đoạn may khác, nhằm rút ngắn thời gian trong sản xuất, loại bỏ các công đoạn dư thừa để gia tăng năng suất cũng như sản lượng. Từ đó, sáng kiến “Cải tiến loại bỏ công đoạn đánh dấu định vị” của anh Trung chỉ sau 2 tháng đã được ứng dụng vào thực tế. Anh Trung chia sẻ: “Thông qua hoạt động ERC (loại bỏ - giảm bớt - kết hợp) cho thấy việc loại bỏ công đoạn đánh dấu định vị trên mũi và phần gót giày của hình thể Breaknet không làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như độ bền của giày. Từ khi ứng dụng sáng kiến này vào sản xuất, mỗi năm tiết kiệm cho Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam trên 500 triệu đồng”.

Năm 2022, anh Trung tiếp tục thành công với sáng kiến “Cải tiến rút ngắn đường chỉ may của công đoạn may mũi giày trong với may lưỡi và may dằn biên chân gò trên tất cả hình thể giày Stan Smith”. Thông thường kỹ thuật viên máy may vi tính sẽ lập trình đường may từ A tới B qua 2 đường gấp khúc (thứ nhất và thứ hai) ở mỗi bên trái và phải của mũi giày trong. Nhận thấy đường may mũi giày trong và lưỡi giày có phần kéo dài, không cần thiết, nên anh Trung đã đề xuất rút ngắn đường chỉ may. Cụ thể, đường chỉ may từ A đến B sẽ được rút ngắn còn khoảng 20% nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tức là đường chỉ may được lập trình lại và chỉ may vừa đến đường gấp khúc thứ nhất thì dừng lại ở mỗi bên trái và phải của mũi giày trong.

Ngoài việc hoàn thành tốt công việc được giao, anh Trung còn tích cực tham gia các phong trào do Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam và Công đoàn cấp trên tổ chức, phát động, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” thông qua các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Ngoài ra, anh thường quan tâm, giúp đỡ những công đoàn viên khác của công ty để cùng nhau tiến bộ về chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiện kỹ sư Minh Trung tiếp tục nghiên cứu những thiết bị thử nghiệm mới và ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo phục vụ công việc. Những đóng góp xuất sắc của anh Trung - một kỹ sư trẻ trong những năm qua được ghi nhận với nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang trao tặng…

Cải tiến trên của anh Trung được làm thử nghiệm trên đơn hàng nhỏ 100 đôi và đơn hàng trung bình 1.000 đôi thành công và sau đó được áp dụng chính thức cho toàn bộ các mẫu giày của hình thể giày Stan Smith có bộ vị may tương tự tại nhà máy. Nhờ vào việc rút ngắn đường chỉ may nên thao tác lập trình đường may đơn giản hơn và máy may lập trình có thể may với tốc độ nhanh hơn, do đó công đoạn này được rút ngắn thời gian thao tác CT (Cycle Time) từ 35 giây/đôi xuống còn 25 giây/đôi, tiết kiệm 10 giây/đôi cho thời gian sản xuất. Cải tiến này của anh Trung đã giúp Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam tiết kiệm thời gian làm việc và kinh phí mua nguyên liệu chỉ may hằng năm trên 200 triệu đồng.

Anh Trung cho biết: “Về tính ứng dụng “Cải tiến rút ngắn đường chỉ may của công đoạn may mũi giày trong với may lưỡi và may dằn biên chân gò trên tất cả hình thể giày Stan Smith” hoàn toàn có thể ứng dụng sâu rộng và đem lại lợi ích lâu dài cho công ty. Kể từ khi hiệu quả được chứng minh và khách hàng chấp thuận, lưu trình SOP sản xuất chính thức được cập nhật và thay đổi để áp dụng từ tháng 2-2022 cho đến hiện tại. Không chỉ dừng lại ở đó, phương pháp cải tiến này còn được nghiên cứu và mở rộng áp dụng cho các hình thể/mẫu giày khác như Forum, Breaknet, Rivalry, Drop Step, Tensaurs... có cách may tương tự và cũng mang đến lợi ích kinh tế rất lớn cho công ty về lâu dài”.

Mới đây nhất, anh Trung thành công với “Cải tiến loại bỏ công đoạn in soa mũi giày và thay đổi công đoạn may miếng trước từ may canh theo đường định vị chuyển qua may và canh bằng áp rập xanh trực tiếp lên liệu của hình thể giày Run 70s”. Nhận thấy quy trình sản xuất hiện tại chưa tối ưu và việc bố trí công đoạn in soa gây ra nhiều lãng phí cho nhà máy, anh Trung đã suy nghĩ và tìm cách loại bỏ công đoạn in soa nhưng vẫn đảm bảo thực hiện được các công đoạn sau đó bình thường và không bị ảnh hưởng. Phương pháp cắt rập nhựa xanh của bộ vị mũi giày đúng với từng size riêng và dán lên mặt giày, tận dụng tính chất đường nét và hình dáng chính xác của rập nhựa mũi giày đã qua cắt CNC để canh may bộ vị miếng trước. Khi đổi size giày sản xuất, công nhân chỉ cần đổi size của mũi giày phù hợp để may.

Hiện tại cải tiến này đang áp dụng tốt tại nhà máy, giúp tạo ra sản phẩm tốt, bảo vệ môi trường. Trong tương lai sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cho các nhà máy của Công ty TNHH Giày Apache ở các nước Trung Quốc và Ấn Độ, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Đây còn được xem là giải pháp có thể được nhân rộng, áp dụng cho các công ty khác có cùng chung ngành nghề da giày.

MỸ PHƯƠNG

.
.
.