Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực
Đó là anh Phan Thanh Tùng (34 tuổi), ngụ xã Long Chánh, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang dù bị tai nạn lao động đôi chân không đi lại được nhưng với ý chí phấn đấu “tàn nhưng không phế”, anh đã cố gắng với công việc kết cườm rèm cửa, tạo thu nhập, tự lo cho bản thân.
VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH
Sinh ra trong một gia đình nghèo, anh Tùng phải nghỉ học từ năm lớp 6 để phụ ba mẹ mua bán cá ở chợ và đi học nghề làm đồ nhôm, kiếng. Với bản tính chăm chỉ nên ai thuê gì anh Tùng cũng làm. Năm 22 tuổi, anh Tùng kết duyên với chị Hồ Thị Nhanh (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông).
Hiện tại, anh Tùng ngồi xe lăn với công việc hằng ngày là kết cườm rèm cửa để có thu nhập nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. |
Cuộc sống của vợ chồng anh Tùng tuy khó khăn nhưng tràn đầy hạnh phúc, bởi cả vợ chồng anh đều chăm chỉ lao động, vun vén chờ đợi đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng chẳng may, sau 1 năm kết hôn (năm 2013) biến cố xảy ra với anh Tùng, khi anh bị té từ lầu 3 xuống đất lúc đang làm phụ hồ.
Tai nạn làm anh bị gãy, dập nát 2 đốt sống lưng và đôi chân lành lặn ngày nào của anh cũng không đi lại được. Thời điểm này, với anh Tùng cuộc sống như khép lại, những cơn đau về thể xác có lẽ cũng không lớn bằng những đau đớn, mặc cảm, tự ti về tinh thần, bởi bản thân bỗng chốc phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người thân và trở thành gánh nặng của gia đình.
Không đi lại được, nằm một chỗ gần 1 năm, chịu những cơn đau hành hạ, anh Tùng đã rơi vào trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai. Nhớ lại thời điểm khó khăn, anh Tùng chia sẻ: “Nhiều lúc tôi nghĩ quẫn và muốn tìm đến cái chết để không phải chịu đựng những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần hành hạ hằng ngày và không còn là gánh nặng cho gia đình.
Tuy nhiên với sự quan tâm, chia sẻ từ những chuyện nhỏ nhặt, thường nhật của người thân, những giọt nước mắt của ba mẹ, của vợ làm tôi tỉnh ngộ. Tôi quyết tâm thay đổi và sống tích cực hơn”.
Anh Tùng tự tập làm từ những thứ nhỏ nhất, bắt đầu là sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Sau thời gian kiên trì tập luyện, anh Tùng không chỉ tự lập được trong sinh hoạt cá nhân, mà còn trông con, giúp vợ khi đi làm.
Anh Tùng nhớ lại: “Lúc đó, tôi ngồi xe lăn di chuyển, nên có thể pha sữa, thay tã, chăm sóc con, đỡ đần phụ vợ”. Không chỉ thế, anh Tùng còn quyết tâm tìm cho mình một công việc phù hợp vừa nuôi sống bản thân, vừa phụ giúp kinh tế gia đình.
Nhờ người quen giới thiệu, anh đã tìm đến công việc kết cườm rèm cửa phù hợp với điều kiện bản thân. Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh Tùng chỉ nhập ít hàng về làm thử. Với sự kiên trì, nỗ lực, sau những năm miệt mài cố gắng, cuộc sống của anh Tùng dần ổn định.
HƯỚNG ĐẾN NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
Cuộc đời anh Tùng còn được điểm thêm nét đẹp với cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chị Nhanh, vợ anh Tùng cho biết: “Vợ chồng tôi đến với nhau là nhờ mai mối. Nhưng với tính tình hiền lành, cần cù, chịu khó và luôn có nghị lực vươn lên nên dù bị tai nạn, trở thành người khuyết tật đã hơn 10 năm qua, nhưng chúng tôi vẫn sống hạnh phúc, có với nhau cô con gái 11 tuổi ngoan ngoãn”.
Hằng ngày, anh Tùng ở nhà làm công việc kết cườm rèm cửa, còn chị Nhanh đi làm công nhân và đứa con gái thì đi học. Kinh tế gia đình dần được cải thiện, anh Tùng luôn mang ơn người vợ đã không ngại gian khổ, luôn ở bên cạnh và chăm sóc anh, đồng hành cùng anh xây dựng gia đình hạnh phúc. “Tất cả những gì mà tôi có được hôm nay chính là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa, để có cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh Tùng bộc bạch.
Không chỉ vun vén, chăm lo hạnh phúc gia đình, anh Tùng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội để lan tỏa câu chuyện nghị lực của bản thân mình. Theo đó, anh đã tham gia các chương trình thiện nguyện, là cầu nối những người khuyết tật với nhau để cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.
“Tôi không thể giúp được nhiều về vật chất, nhưng chỉ hy vọng câu chuyện cuộc đời tôi sẽ phần nào truyền cảm hứng, giúp những người cùng cảnh ngộ cũng như các bạn trẻ phấn đấu vươn lên. Tôi mong có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật để họ có thể tự nuôi sống bản thân và có những đóng góp cho gia đình, xã hội”, anh Tùng bày tỏ mong muốn.
Câu chuyện của anh Tùng đã mang lại cho mọi người bài học trân trọng về nghị lực sống. “Giờ đây, tôi chỉ mong gia đình bình yên, có nhiều đơn đặt hàng cho việc kết cườm để tôi có thu nhập, phụ vợ lo cho con, vì hiện tại đơn hàng rất ít, mỗi tháng chỉ kết cườm được vài tấm rèm cửa, tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cho bản thân. Tuy vậy tôi vẫn luôn sống tích cực, lạc quan để cuộc sống luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương, tạo dựng nên những điều tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội”, anh Tùng chia sẻ.
PHƯƠNG MAI