Thứ Sáu, 22/12/2023, 20:02 (GMT+7)
.

Nhìn từ VinFuture

(ABO) Lễ trao giải VinFuture mùa ba diễn ra tối ngày 20-12 tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) có sự tham dự của hơn 50 nhà khoa học kiệt xuất thế giới, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá như Nobel, Millennium Technology, A.M. Turing.

Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân cùng người đồng nghiệp - GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) là hai nhà khoa học được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam được xướng tên tại giải thưởng khoa học và công nghệ giá trị nhất hành tinh với sứ mệnh phụng sự nhân loại.

Hai nhà khoa học được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

s
GS. Võ Tòng Xuân (phải) nhận giải VinFuture. Ảnh: VNExpress.

GS. Gurdev Singh Khush là người tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao như IR36, IR64. Trong đó, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ.

Tại Việt Nam, giống lúa IR36 được trồng phổ biến tại các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nỗ lực quan trọng của GS Võ Tòng Xuân. IR36, IR64 hiện là những giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu.

Nhưng ít ai biết rằng, câu chuyện về hạt lúa kháng rầy, cứu khó cho người dân vùng đất đồng bằng châu thổ ít nhiều cũng trải qua nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ và được “trải nghiệm” trên mảnh đất Tiền Giang.

Liên quan đến câu chuyện này, nhân sự kiện Tổng kết 40 năm hoạt động ngành Nông nghiệp Tiền Giang gần đây, GS. Võ Tòng Xuân kể rằng: Sau khi hòa bình thống nhất, diện tích trồng lúa cao sản ngắn ngày được phát triển rất mạnh do phong trào thủy lợi được Nhà nước khuyến khích khắp nơi. Đến vụ đông xuân 1976 - 1977, rầy nâu lại xuất hiện trước nhất tại Tân Châu (An Giang) rồi theo gió lan qua Đồng Tháp và Tiền Giang.

“Tôi và TS. Nguyễn Văn Huỳnh đi khảo sát và bắt rầy về nghiên cứu và xác định đây là rầy nâu biotype 2. Mặc dù Việt Nam chưa nối lại bang giao với Philippine, vào tháng 12-1976 tôi vẫn thử gửi điện tín sang Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) khẩn báo sự biến hóa của rầy nâu sang biotype mới. Rất may, IRRI nhận được điện tín và tức tốc TS. Gurdev S. Khush và TS. Ronnie Coffman đã gửi cho tôi qua đường bưu điện máy bay, vào giữa tháng 1-1977, với 5 bao thư mỗi bao đựng 5 grams giống IR32, IR34, IR36, IR38 có mang gen kháng rầy nâu biotype 2”- GS. Võ Tòng Xuân đã ghi lại như thế.  

Khi đó GS. Võ Tòng Xuân và TS. Nguyễn Văn Huỳnh tức tốc lo xác định giống nào tốt nhất để nhân giống phổ biến ngay, vì lúc này hàng ngàn gia đình nông dân Tiền Giang, Long An, Bến Tre, An Giang đang bị tán gia bại sản vì nạn rầy nâu tàn phá hết đồng ruộng của họ, tiền của đem đi mua thuốc trừ rầy nâu nhưng tiền mất tật mang. Đại nạn rầy nâu đã mang đại họa cho nông dân các tỉnh trồng lúa Thần Nông.

Chúng tôi đã tìm ra giống IR36 là giống tốt nhất, cho nhân tức tốc, dùng kỹ thuật cấy 1 tép/buội, sau hai vụ đã được khoảng 2.000 kg lúa giống. Lúc này, Trường Đại học Cần Thơ đã đóng cửa trường trong hai tháng để cho sinh viên mang giống lúa IR36 kháng rầy đi khắp nơi nhân giống nhanh cho bà con nông dân có giống để trồng.

Ông Võ Văn Chung (Hai Chung) và GS. Võ Tòng Xuân (thứ 2 và thứ 3, từ trái sang phải trong ảnh) tại Hội nghị Tổng kết 40 năm hoạt động ngành Nông nghiệp Tiền Giang.
Ông Võ Văn Chung (Hai Chung) và GS. Võ Tòng Xuân (thứ 2 và thứ 3, từ trái sang phải trong ảnh) tại Hội nghị Tổng kết 40 năm hoạt động ngành Nông nghiệp Tiền Giang.

Song song lúc ấy, qua sự giới thiệu của Kỹ sư Đỗ Văn Chuông, GS. Võ Tòng Xuân đã về xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, gặp anh Hai Võ Văn Chung bàn tính kế hoạch nhân giống IR36 tại ruộng nhà anh cho nhanh, cũng bằng kỹ thuật cấy 1 tép/buội. GS. Võ Tòng Xuân liên tục đưa sinh viên Trường Đại học Cần Thơ về nhà anh Hai Chung để từ đó tỏa ra các huyện trong tỉnh Tiền Giang, qua Bến Tre và Long An.

"Như vậy, nhà anh Hai Chung là đại bản doanh của chiến dịch chặn đứng nạn rầy nâu bằng giống lúa kháng rầy IR36. Anh Hai Chung cho bà con nông dân khắp nơi đến đổi lúa thịt lấy lúa kháng rầy với cam kết là sẽ cho nông dân khác cũng đổi như thế sau khi thu hoạch. Chiến dịch chống rầy nâu bằng IR36 đã thành công trước tiên tại Tiền Giang, nhờ sự tham gia của đông đảo nông dân và sự yễm trợ nhiệt tình của cán bộ lãnh đạo và cán bộ nông nghiệp toàn tỉnh”- GS. Võ Tòng Xuân cho biết.

Câu chuyện của ngành Nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng, đã trải dài qua lịch sử hàng chục năm và trong đó có những đóng góp thầm lặng của các nhà khoa học như GS. Võ Tòng Xuân, GS. Gurdev Singh Khush… và cả những người nông dân như ông Hai Chung. Và họ xứng đáng được vinh danh.

TA

.
.
.