Thứ Hai, 29/04/2024, 14:00 (GMT+7)
.
Lan tỏa những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng

Bài 3: Nối tình quê qua những chiếc cầu

Bài 1: Ngôi trường của tình thương

Bài 2: Trải lòng bác ái trên đất cù lao

Khi ai đó phát hiện có một cây cầu giao thông nông thôn đang xuống cấp, mất an toàn và cần xây mới; hay những người có kinh phí, muốn hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh vững chắc, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân thì chỉ cần gọi đến số 0358.129.009, ông Sáu Mãnh sẽ lắng nghe và cùng lên kế hoạch, góp công thực hiện những mong muốn trên. Đó là cách mà ông Sáu Mãnh đã làm trong chục năm qua với hơn 500 cây cầu bê tông vững chắc được bắc trên những con sông, rạch miền Tây.

CÙNG NHAU LÀM VIỆC  THIỆN LÀNH

Dưới cái nắng tháng tư như đổ lửa, hơn chục người đàn ông tuổi đã quá lục tuần vẫn tất bật tay chân trên công trình cầu Tổ đình chùa Hội Thọ (xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Trong tiếng nói cười rôm rả, mỗi người một việc từ xúc đá, vác cát cho đến bẻ sắt, trộn hồ… không nề hà việc nặng nhẹ.

Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang tất bật trên công trình cầu Tổ đình chùa Hội Thọ, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè.
Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang tất bật trên công trình cầu Tổ đình chùa Hội Thọ, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè.

Chỉ huy công trình là một người đàn ông rắn rỏi với bộ râu dài và làn da rám nắng, đó là ông Phan Văn Mãnh (thường gọi là ông Sáu Mãnh, 61 tuổi), Đội trưởng Đội xây cầu từ thiện của Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang. Chỉ về những thợ hồ khoác trên mình chiếc áo đồng phục màu xanh nước biển, ông Sáu Mãnh cười nói: “Cả đội hơn 30 người, tôi trẻ nhất. Chúng tôi đến từ nhiều địa phương khác nhau trong và ngoài tỉnh. Mười mấy năm nay, chúng tôi gắn bó với nhau do có chung tấm lòng phát tâm cùng làm việc thiện lành”.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với việc thành lập Đội xây cầu từ thiện của Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang, ông Sáu Mãnh chia sẻ: “Hồi năm 2001, cha tôi lúc đó 67 tuổi chẳng may té khi đi qua cầu không an toàn và mất ngay ngày cận Tết Nguyên đán. Huyện Cái Bè là vùng có kinh rạch chằng chịt, lúc đó các xã vùng sâu còn nhiều cầu khỉ, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ nỗi đau mất người thân, nên cứ ước muốn có tiền để bắc những cây cầu an toàn cho bà con đi lại. Một thời gian sau, tôi đi cứu trợ ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, gặp ông Chín Hùm chuyên đi bắc cầu từ thiện và ông ấy đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp tiền về huyện Cái Bè xây liền 3 cây cầu”.

Theo ông Võ Thanh Tuấn, Phó Trưởng Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang, trong 5 năm (2019 - 2024), đồng bào Phật giáo Hòa Hảo trong tỉnh đã vận động đóng góp trên 35 tỷ đồng cho công tác từ thiện - xã hội, nổi bật nhất là xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Sự chung tay xây dựng cầu giao thông nông thôn của Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang thời gian qua đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với người dân, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết dân tộc.Tất cả vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển quê hương, đất nước.

Ông Sáu Mãnh cho biết thêm: “Khi 3 cây cầu làm xong, tôi lập luôn Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang và hoạt động cho tới giờ. Ban đầu làm cầu ván, sau đó vừa làm vừa học kinh nghiệm chuyển qua làm cầu bê tông nhỏ, rồi tới cầu lớn.

Cây cầu bê tông cốt thép dài nhất mà chúng tôi đã xây là cầu dây văng Phước Đức kinh 28, dài 73 m, rộng 3,5 m, ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, vừa hoàn thành vào năm trước. Hiện tại, đội đang thi công thêm mấy cây cầu trên đường dân sinh dọc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô lớn hơn nữa”.

Làm cầu ở tỉnh Tiền Giang một thời gian, ông Sáu Mãnh đưa Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang sang tỉnh Đồng Tháp. Suốt 6 năm, đội xây cầu từ thiện của những lão nông đi dọc ngang các xã khó khăn nhất của tỉnh Đồng Tháp để giúp xây cầu. “Bên Đồng Tháp, chúng tôi được anh Ba Cống, nguyên là Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ, giai đoạn đầu khó khăn lắm vì chưa ai biết tới đội.

Lúc này, còn có anh Chín Hội ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ mỗi cây cầu 15 triệu đồng. Làm suốt 3 năm, anh Ba Cống kiểm tra sâu sát, thấy anh em trong đội nhiệt tình, có tâm nên anh cho chiếc sà lan và máy ép cọc trụ cầu, trị giá gần 1 tỷ đồng để tạo điều kiện cho đội có thể xây cầu đạt chuẩn, đảm bảo kỹ thuật, an toàn. Trước làm cầu rất khó khăn, nhiều khâu rất nặng mà phải làm bằng sức người, nay có máy móc, xe cộ hỗ trợ nên đỡ nặng nhọc hơn”, ông Sáu Mãnh kể.

NIỀM VUI CỦA NHỮNG LÃO NÔNG

Ông Sáu Mãnh cho biết: “Lúc đầu, Đội xây cầu từ thiện có 15 - 16 người, từ 50 tuổi trở lên, giờ đội có hơn 30 người, thành viên cao tuổi nhất đã ngoài 70 tuổi, tôi trẻ nhất đội. Đội không có người trẻ là do họ phải làm kinh tế, chăm lo cho gia đình, nên chỉ những người có tuổi mới vào đội. Anh em chúng tôi đều là nông dân, nhưng luôn chịu học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, có việc thì cùng nhau làm”.

Cầu Phước Đức kinh 28 là cầu dây văng có quy mô lớn vừa được Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật Giáo Hòa Hảo Tiền Giang thi công hoàn thành vào đầu năm 2023.
Cầu Phước Đức kinh 28 là cầu dây văng có quy mô lớn vừa được Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật Giáo Hòa Hảo Tiền Giang thi công hoàn thành vào đầu năm 2023.

Chia sẻ về cách xây dựng cầu từ thiện, ông Sáu Mãnh nói: “Khi nhận tin có cầu giao thông nông thôn không an toàn hoặc nơi nào cần xây cầu mà không có tiền, tôi sẽ đến khảo sát và thấy nhu cầu thật sự thì tôi vận động nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân rồi liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết và tiến hành thi công.

Các thành viên của đội góp sức cùng nhau xây dựng hoàn thành công trình bằng tinh thần trách nhiệm cao. Nói là vận động nhưng tôi không bao giờ nhận và giữ tiền của nhà tài trợ. Tôi chỉ là cầu nối để nhà tài trợ gặp và trao kinh phí cho địa phương chi xuất vật tư để đội xây cầu từ thiện của chúng tôi tiến hành việc thi công”.

Ban đầu cả Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang không nhận thù lao, làm việc hoàn toàn miễn phí nhưng do làm việc lâu dài nên thời gian sau này ông Sáu Mãnh đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ mỗi nhân công 100 ngàn đồng/ngày để làm chi phí đi lại và ăn uống, ngoài ra không có chi phí nào khác.
Ông Phan Văn Thử, Đội phó Đội xây cầu từ thiện cho hay: “Công trình có liên tục, cầu này chưa xây xong đã có cây khác đang đợi. Anh em thấy việc làm của mình có ý nghĩa, giúp cho bà con ở các địa phương nên anh em luôn gắn bó. Không chỉ xây cầu trong tỉnh Tiền Giang, đội còn đi tới nhiều tỉnh miền Tây để thi công các công trình khi có nhà tài trợ ủng hộ kinh phí. 

Thiết bị cơ giới được sử dụng để Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật Giáo Hòa Hảo Tiền Giang thi công cầu an toàn, đạt tiêu chuẩn.
Thiết bị cơ giới được sử dụng để Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật Giáo Hòa Hảo Tiền Giang thi công cầu an toàn, đạt tiêu chuẩn.

Đến nay, đội đã góp sức thi công hơn 500 công trình cầu giao thông ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Vĩnh Long, với hàng ngàn ngày công lao động... Mỗi công trình trị giá từ vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng, tâm nguyện của đội là đi làm, giúp cho bà con ở các địa phương có cầu bê tông cốt thép vững chắc, đi lại thuận lợi”.

Ông Nguyễn Văn Lẻ, nhà ở ấp Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, là thành viên kỳ cựu của Đội xây cầu từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Hòa Hảo Tiền Giang nói: “Tôi theo công trình liên tục, xuyên suốt, trừ khi gia đình có việc thì mới nghỉ vài ngày. Đi làm vậy mà vui, bữa nào khỏe thì làm việc nặng, bữa nào mệt thì mần việc nhẹ, đi làm riết rồi quen, thấy bà con vui, mình cũng vui và có động lực gắn bó với việc làm thiện nguyện này”.

Còn ông Lê Văn Nguyên (66 tuổi), nhà ở ấp Mỹ Nghĩa 2, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè cũng đã gắn bó với đội cả chục năm nay. Ông Nguyên cho biết: “Chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có cuộc sống gia đình ổn định, nên không có của thì bỏ công góp sức làm chuyện có ích cho đời, đi làm cực mà vui”.

THỦY HÀ

(Còn tiếp)

.
.
.