Chủ Nhật, 25/06/2017, 19:37 (GMT+7)
.
GHI NHẬN QUA 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP SỐ 10:

Góp phần nâng cao ý thức chấp hành ATGT

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 10 giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh - Công an tỉnh - Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh về vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT’’ trong giai đoạn 2012 - 2016 đã tạo nên một xung lực mới, huy động được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Lễ ký kết chương trình phối hợp liên ngành giai đoạn 2017 - 2021.
Lễ ký kết chương trình phối hợp liên ngành giai đoạn 2017 - 2021.

Ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhận xét: Trong 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 10/CTrPH-MTTQ-CAT-ATGT giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Công an tỉnh - Ban ATGT tỉnh, phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền nên công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai thường xuyên và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp, nhiều cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể đã thể hiện sự quyết tâm và thống nhất việc sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động như đưa tiêu chuẩn chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào việc bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên. Một số huyện, thành, thị đã ban hành các văn bản xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, nhất là đảng viên vi phạm trật tự ATGT hoặc có hành vi bao che, dung túng cho người thân vi phạm. Ban ATGT tỉnh cùng các sở, ngành, đoàn thể tổ chức in 127.000 quyển tài liệu tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Giao thông đường thủy nội địa, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy; phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền về hưởng ứng “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ” (2011 - 2020)… Ban ATGT tỉnh còn lắp đặt mới 81 panô, thay mới nội dung tuyên truyền trên 128 panô đã lắp đặt cố định trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, khu vực đông dân cư. Công an tỉnh đã cấp phát 3.910 tờ rơi tuyên truyền về nhận biết đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, kết hợp vừa tuần tra kiểm soát vừa phát loa tuyên truyền lưu động các quy định về ATGT ở các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực phức tạp 25.130 lượt, tổ chức 1.468 cuộc họp dân, 149 buổi chiếu phim.

Mô hình tự quản ATGT ở khu dân cư được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đã thực sự phát huy được ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Từ năm 2012 - 2016 đã xây dựng mới và nhân rộng 715 tổ nhân dân tự quản ATGT ở khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh có 1.025/1.025 tổ nhân dân tự quản ATGT ở khu dân cư (mỗi tổ có từ 5 - 7 thành viên do trưởng ấp quản lý). MTTQ các cấp còn phối hợp các ngành, các tổ chức thành viên xây dựng 173 đội tình nguyện xã hội với 2.386 thành viên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động ATGT ở khu dân cư, qua đó chọn 135 xã và 173 khu dân cư điểm về ATGT. Công tác xây dựng tuyến đường điểm về ATGT đã thực hiện được 135 tuyến với tổng chiều dài 1.094 km; các xã, phường còn làm cỏ, mé cây che khuất tầm nhìn 836 tuyến đường, đoạn đường với chiều dài 983 km. Bên cạnh đó, đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí gắn đèn chiếu sáng và cột cờ ở 386 tuyến đường giúp cho người tham gia giao thông được thuận lợi, cũng như đóng góp trên 52,8 tỷ đồng và 85.446 ngày công lao động để nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.

Về những bài học kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh trao đổi: Sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên và kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tinh thần trách nhiệm của thành viên Ban ATGT tỉnh, sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh… cùng với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương là yếu tố cơ bản tạo nên sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội về đảm bảo trật tự ATGT. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân là biện pháp quan trọng, thường xuyên, lâu dài và có tính quyết định. Xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình tự quản về đảm bảo trật tự ATGT cũng là một trong những biện pháp quan trọng góp phần làm cho phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” có chiều sâu và bền vững nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…

Qua đó, chương trình phối hợp vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” giai đoạn 2017 - 2021 và chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2021 giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Công an tỉnh - Ban ATGT tỉnh tiếp tục thực hiện một số nội dung cơ bản sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và đường thủy nội địa. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT, được cụ thể hóa bằng chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh và Ban ATGT tỉnh. Tăng cường phối hợp và hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thêm nguồn lực trong công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT, góp phần thực hiện kỷ cương trật tự giao thông, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình tự quản ATGT theo Đề án 01 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ngày 7-5-2012. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giám sát việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực trật tự ATGT.

N.HỮU

.
.
.