Thứ Năm, 21/09/2017, 20:01 (GMT+7)
.

Tuyên truyền về an toàn giao thông phải đi vào chiều sâu

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) được xác định là một trong những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về bảo đảm ATGT trong thời gian qua còn nặng về hình thức, số lượng, chưa đi vào chiều sâu.

Tuyên truyền, tạo ý thức cho học sinh đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy.
Tuyên truyền, tạo ý thức cho học sinh đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền; những mô hình ATGT được các ngành, đoàn thể duy trì thực hiện. Các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban ATGT tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Nhiều đơn vị đã mở các cao điểm, chiến dịch tuyên truyền với các chủ đề: Nguy cơ gây TNGT ở nông thôn trong dịp lễ, tết; chất lượng mũ bảo hiểm (MBH) đối với người điều khiển, người ngồi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện; siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ; văn hóa giao thông…

Các ban, ngành từ cấp tỉnh đến địa phương phối hợp với Ban ATGT mở nhiều chiến dịch tuyên truyền về nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATGT. Cụ thể: Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức tuyên truyền ở khu dân cư các nghị định, các văn bản liên quan đến ATGT với 12.652 cuộc, có 303.840 lượt người dự; phát động hưởng ứng Năm ATGT 2017 với 166 cuộc, có trên 43.200 lượt người dự. Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện lồng ghép các kiến thức về ATGT qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội 3.317 cuộc, có 115.596 lượt hội viên phụ nữ tham dự. Hội Nông dân các cấp phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền ATGT với nhiều hình thức như: Tọa đàm, hội thảo, tập huấn trong các cuộc họp chi, tổ hội 4.342 cuộc, với 165.788 lượt người tham dự.

Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh) đã tuyên truyền lưu động nội dung quy định về sử dụng rượu, bia, đội MBH, chấp hành tốc độ… khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ 676 cuộc. Hằng ngày tổ chức chiếu phim tài liệu, video phân tích các lỗi vi phạm trật tự ATGT và hậu quả các hành vi vi phạm gây ra, tình huống giao thông, thông điệp của Ủy ban ATGT quốc gia. Cảnh sát giao thông các địa phương tổ chức 501 buổi chiếu phim tuyên truyền nơi tiếp dân ở cơ quan cho người dân xem, chờ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến vi phạm trật tự ATGT có trên 8.470 lượt người xem. Tuyên truyền lưu động các quy định về trật tự ATGT đường bộ tại các khu vực đông dân cư, tuyến đường giao thông công cộng trên 1.043 lượt. Phối hợp Công an xã tổ chức họp dân tại các thị trấn, thị xã tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ 183 cuộc, có 4.090 người tham dự. Phòng Cảnh sát đường thủy tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường thủy nội địa 35 cuộc, có 1.445 lượt người dự; tuyên truyền lưu động 17 cuộc, thời lượng 136 giờ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm…

Bên cạnh hiệu quả của công tác tuyên truyền về ATGT không thể phủ nhận trong thời gian qua, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhận xét về những mặt hạn chế còn tồn tại: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào những đợt cao điểm. Nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa sát với thực tế, chưa tập trung đúng đối tượng; hình thức tuyên truyền chưa sinh động, đa dạng, thiếu sáng tạo, chưa phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội tại cấp cơ sở trong hoạt động tuyên truyền ATGT”.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cũng có nhận xét tương tự khi phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác ATGT 6 tháng đầu năm: “Công tác tuyên truyền về ATGT ở nơi này, nơi khác còn nhiều hạn chế, chưa tác động đến một số đối tượng tham gia giao thông cụ thể, đặc biệt là nội dung tuyên truyền về ATGT chưa thực sự thu hút người nghe, chưa sát với một bộ phận đối tượng cần tuyên truyền (nhất là giới trẻ là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm trật tự ATGT)...”.

Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận xét: “Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT thời gian qua đã được các ngành, các cấp, các địa phương đẩy mạnh, nhất là các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn chủ quan, bất cẩn vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT và các quy tắc điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: Phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, giành đường, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia... vẫn còn xảy ra phổ biến.
Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục tại nơi cư trú, nhất là đối tượng có nguy cơ gây TNGT. “Các ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp tăng cường tuyên truyền ATGT và công tác này cần phải được triển khai thực hiện thường xuyên vì ATGT liên quan trực tiếp đến tính mạng con người khi tham gia giao thông” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Trưởng Ban ATGT tỉnh khẳng định.

PHÙNG LONG

.
.
.