.
Liên quan đến mô tô, xe gắn máy:

Giải pháp nào để hạn chế TNGT?

Cập nhật: 14:37, 24/05/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh), điều đáng báo động hiện nay là số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến mô tô, xe gắn máy luôn chiếm tỷ lệ cao. Đơn cử như, trong quý I-2018, trong 128 vụ TNGT đường bộ, số vụ liên quan đến mô tô, xe gắn máy chiếm 48,78% (60 vụ).

Hiện trường tại nạn giao thông trên QL.50
Hiện trường tại nạn giao thông trên QL.50

Nguyên nhân

Theo phân tích của Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân trực tiếp là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa cao, còn chủ quan.

Một bộ phận người dân tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn vi phạm pháp luật về trật tự ATGT với các lỗi phổ biến như: Lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn; chạy sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định về tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu...

Đơn cử một số vụ TNGT như: Lúc 17 giờ 20 phút ngày 27-4-2018, trên ĐT.865 (đoạn thuộc ấp Mỹ Đức, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phú Đông) xảy ra vụ va chạm giữa 2 mô tô và ô tô, làm 1 người bị thương nặng; nguyên nhân là do người điều khiển mô tô vượt không đảm bảo an toàn.

Vụ TNGT xảy ra vào ngày 29-4-2018 trên QL.50 (đoạn thuộc ấp Long Hòa B, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) giữa 2 mô tô, làm 1 người chết và 1 người bị thương; nguyên nhân do người điều khiển mô tô sử dụng rượu bia đã không làm chủ tay lái.

Hoặc vụ TNGT xảy ra vào lúc 22 giờ 15 phút ngày 30-4-2018 trên ĐH.11 (đoạn thuộc ấp Ninh Qưới, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) giữa 2 mô tô, làm bị thương 2 người; nguyên nhân do người điều khiển mô tô không đi đúng làn đường...

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân gián tiếp do cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ với số lượng phương tiện tăng cao như hiện nay...

Thượng tá Nguyễn Anh Thoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh) nhận xét: Việc tổ chức giao thông trên các tuyến quốc lộ chưa phù hợp, nhất là việc phân cấp mô tô đi cùng làn với ô tô trên QL1; nhiều đoạn đường, khu vực giao lộ, điểm mở dải phân cách chưa có đèn chiếu sáng về ban đêm; có nơi mặt đường, mặt cầu quá hẹp; đường dân sinh dọc tuyến quốc lộ chưa có dải phân cách cứng để hạn chế trường hợp người dân điều khiển xe đi ngược chiều đường.

Mặt khác, Thông tư 91 ngày 31-12-2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ chưa phù hợp với thực tế tình hình giao thông hiện nay. Thông tư quy định ô tô tải trên 3,5 tấn được phép chạy trên QL1 với tốc độ 80 km/giờ.

Thực tế các xe này có thể chạy đến 85 km/giờ, vì Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ chỉ có mức phạt xe vi phạm tốc độ từ 5 km/giờ trở lên. Như vậy, với tốc độ 85 km/giờ, khi gặp tình huống bất ngờ, nhất là mô tô chạy chung làn vượt thì ô tô khó mà tránh kịp, xe này sẽ tông vào phía sau xe kia.

Ngoài ra, tình trạng người dân buôn bán lấn chiếm lòng đường, lề đường vẫn còn xảy ra, tái diễn nhiều nơi trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT rất cao (đặc biệt là tại khu vực gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trường học...). Bởi lẽ, người điều khiển mô tô, xe gắn máy phải chạy lấn ra làn đường dành cho ô tô đang chạy với vận tốc nhanh là rất nguy hiểm...

Giải pháp

Về giải pháp để hạn chế TNGT nói chung và TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy nói riêng, tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I-2018, đại diện một số địa phương và các sở, ngành đã đóng góp ý kiến xoay quanh một số vấn đề cốt lõi như: Việc sơn lại các vạch kẽ đường, phân làn đường và làm các gờ giảm tốc độ ở các điểm mở trên QL1; các địa phương xảy ra nhiều TNGT cần rà soát các điểm đen, tuyến đường thường xảy ra TNGT để có biện pháp khắc phục kịp thời; kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ, vì đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT; gắn đèn tín hiệu giao thông ở các điểm mở, giao nhau trên tuyến quốc lộ; gắn hệ thống camera giám sát ở các ngã ba, ngã tư trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường trọng điểm, phức tạp về ATGT; tăng cường lực lượng phối hợp tham gia cùng Cảnh sát giao thông trong công tác tuần tra, kiểm soát…

Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh Trần Văn Bon trao đổi: Bên cạnh 2 nhóm giải pháp cơ bản là tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật về ATGT và tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trật tự ATGT, Ban ATGT sẽ tham mưu UBND tỉnh để Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ hành lang ATGT đường bộ; bố trí kinh phí và huy động người dân tham gia tình nguyện làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; huy động nguồn lực xã hội hóa, đề xuất cơ chế tạo nguồn kinh phí cho chính quyền cấp huyện, cấp xã xây dựng đường gom, tăng cường tổ chức giao thông an toàn cho nhóm người dễ bị tổn thương (sử dụng xe đạp, xe máy, xe buýt, đi bộ) và yếu thế trong xã hội (người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật), đặc biệt là giao thông kết nối với trường học.

Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen về TNGT, chú trọng sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các nút giao đường bộ, các đoạn đường cong và các điểm tầm nhìn bị hạn chế chưa thể thực hiện giải pháp đầu tư cải tạo công trình; khắc phục “điểm đen” về TNGT trên các tuyến đường bộ do tỉnh quản lý.

PHÙNG LONG

.
.
.