Thứ Tư, 05/12/2018, 10:27 (GMT+7)
.

Để học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người dưới 18 tuổi không được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên; không chạy xe lạng lách, đánh võng; đội mũ bảo hiểm (MBH)… khi tham gia giao thông. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận học sinh (HS) vi phạm các quy định trên.

Học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn và không đội MBH (ảnh chụp tại huyện Châu Thành).
Học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn và không đội MBH (ảnh chụp trên địa bàn huyện Châu Thành).

CHƯA XỬ LÝ MẠNH TAY

Có mặt tại cổng Trường THPT Gò Công (TX. Gò Công) trong giờ cao điểm đến trường, chúng tôi đã chứng kiến nhiều HS điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường và thản nhiên gửi xe tại một điểm giữ xe của một hộ dân trước cổng trường.

Ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (huyện Châu Thành), trong giờ tan trường, một số HS chở 3, không đội MBH, chạy xe lạng lách, đánh võng… vẫn còn khá phổ biến.

Về việc HS đi xe phân khối lớn đến trường là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các em chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe nên không nắm rõ các quy tắc, quy định của Luật Giao thông đường bộ. Do đó, các em không kiểm soát, làm chủ tốc độ…, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) là rất cao.

Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Công an tỉnh, 11 tháng qua, trên địa bàn tỉnh, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 879 trường hợp người dưới 18 tuổi vi phạm các quy định của pháp luật trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Các lỗi vi phạm chủ yếu: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên”; điều khiển xe gắn máy không đội MBH, không gương chiếu hậu bên trái người điều khiển, không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực...

Nhà trường đã chủ động đề ra các quy định nghiêm cấm HS mang xe phân khối lớn vào trường, thì các em đem gửi tại các địa điểm giữ xe của hộ dân ở ngoài nhà trường.

Nhà trường biết, các ngành chức năng cũng biết, nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, tiếp tay cho tình trạng HS đi xe máy phân khối lớn đến trường.

Đây là “bài toán” khó không chỉ riêng ngành GD-ĐT. Hành vi vi phạm của HS chủ yếu diễn ra ở ngoài trường, do đó nhà trường khó kiểm soát, giám sát, trong khi một số phụ huynh chưa quan tâm, vô tư cho con đi xe phân khối lớn. Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), còn nương nhẹ trong việc xử phạt HS vi phạm pháp luật về giao thông…

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, hiện nay, các em HS bậc THPT đã được học đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ. Do vậy, các em biết khi điều khiển xe trên 50 cm3 là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, những trường hợp vi phạm này ít bị CSGT xử lý. Trong thời gian qua, rất ít trường nhận được kết quả xử lý của cơ quan chức năng về việc HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ gửi về nhà trường.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gò Công (TX. Gò Công) Nguyễn Phạm Ngọc Hân cho biết, mặc dù nhà trường tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nhưng vẫn còn một số em vi phạm. Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một số em chưa cao.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, NHẮC NHỞ

Hiệu trưởng Trường THPT Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành) Nguyễn Thị Phúc Nga cho rằng, hiện nay, nhà trường áp dụng biện pháp răn đe, uốn nắn các em HS là chính. Trên thực tế, đâu đó vẫn còn một số bậc phụ huynh, người lớn chưa làm gương trong việc chấp hành pháp luật về giao thông để HS noi theo.

Thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp với Công an cấp huyện tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT dưới cờ, giúp HS nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Trước thực trạng một bộ phận HS vi phạm pháp luật về giao thông, Sở GD-ĐT đã đồng loạt triển khai họp với phụ huynh HS để tuyên truyền và cho ký cam kết không giao xe máy cho HS chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội MBH cho HS khi ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông. Giấy cam kết được làm thành 2 bản, một bản nhà trường giữ, một bản giao cho HS giữ.

Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ nhắc nhở, kiểm tra giấy cam kết của HS hằng tuần vào giờ sinh hoạt lớp. Bên cạnh đó, tất cả các trường thành lập ít nhất 1 đội hình “Thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông (ATGT)” tại cổng trường vào giờ cao điểm.

Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình trật tự ATGT, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ATGT và các tài liệu tuyên truyền về lĩnh vực ATGT đến HS, giáo viên…

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, ngành GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp danh sách HS vi phạm ngoài nhà trường; tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình gần trường không được giữ xe máy phân khối lớn của HS…

Để hạn chế tình trạng HS vi phạm về trật tự ATGT, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường lưu ý về công tác biểu dương, khen thưởng và kỷ luật. Đối với HS vi phạm, sẽ phê bình trước toàn trường, báo về gia đình, giáo viên chủ nhiệm ghi nhận để làm căn cứ xếp loại hạnh kiểm HS vào cuối năm học.

HÀ NAM

.
.
Liên kết hữu ích
.