Đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày: Còn nhiều việc thiết thực cần làm hơn!
Cập nhật: 22:25, 10/05/2020 (GMT+7)
Thay vì đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày khi tham gia giao thông, cơ quan quản lý nên chú trọng vào việc giảm tiếng ồn, khí thải đối với phương tiện giao thông.
Đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày khi tham gia giao thông đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Internet. |
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là quy tắc sử dụng đèn của các phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện. Quy định này đang nhận được những phản ứng trái chiều trong dư luận cũng như giới chuyên gia.
Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Tức là, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Thật ra, đề xuất này từng được nhắc đến vào cuối năm 2015, đầu năm 2016. Khi đó, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, khẳng định đề xuất này được đưa ra sau khi Ủy ban tổ chức hội thảo các giải pháp an toàn cho môtô, xe máy, có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.
Đúng là, Công ước 1968 có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện, còn ở Việt Nam không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường”.
Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên tổ trưởng xử lý vi phạm - Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cũng cho rằng, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, ít sương mù nên việc quy định bật đèn cả ngày là vô lý, rất khó để lực lượng CSGT xử lý vi phạm. Xe máy bật đèn cả ngày thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả.
Theo Thượng tá Quỹ, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít nên cần bật đèn, ở Việt Nam thì không cần thiết.
Trong khi đó, BS.TS Nguyễn Đình Sáng - Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, việc bật đèn liên tục khi tham gia giao thông giúp cho người khác có thể nhận diện tốt hơn các phương tiện khác trên đường nhưng nếu về lâu dài, người đi đối diện nhìn thẳng vào đèn led quá nhiều có thể gây hại tới võng mạc.
"Các loại xe máy hiện nay chủ yếu sử dụng đèn led chiếu sáng. Loại ánh sáng của đèn led chủ yếu được cấu thành từ ánh sáng tím và ánh sáng xanh lam, đây là hai màu ánh sáng có bước sóng ngắn và khá mạnh. Nếu tiếp xúc trực tiếp với mắt người trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới võng mạc và gây suy giảm khả năng nhìn" - BS.TS Nguyễn Đình Sáng cho biết.
Ở góc độ trái chiều, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường đưa ra phân tích, đèn chiếu sáng cũ trước đây khi chiếu sáng sản sinh ra nhiệt lớn thì có thể gây ảnh hưởng tới môi trường nếu nhiều đèn cùng bật một lúc. Tuy nhiên hiện nay các phương tiện đã được thay thế bằng đèn LED, hiệu quả chiếu sáng tốt, ít tốn nhiên liệu và không sản sinh nhiệt nhiều do đó không có ảnh hưởng đáng kể đến môi trường.
Đề xuất bắt buộc bật đèn khi tham gia giao thông nhìn sơ qua có thể thấy không hợp lý nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là vấn đề nên áp dụng. Việc bật đèn sẽ tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, lâu dài sẽ thành phản xạ có điều kiện, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh, giúp giảm đáng kể tai nạn giao thông.
Ngoài ra, tương lai gần khi luật được áp dụng, các hãng sản xuất phương tiện giao thông sẽ tích hợp các công nghệ mới lên các phương tiện của họ. Ví dụ ở một khoảng cách nhất định khi cảm nhận được có ánh sáng phía trước, bộ phận cảm ứng của phương tiện sẽ có báo động... để người điều khiển biết.
Liên quan đến ý kiến của đại diện Vụ ATGT - Bộ GTVT vận tải cho rằng việc quy định xe máy bật đèn cả ngày là hướng tới các nhà sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phải bổ sung đèn nhận diện cho xe máy, chuyên gia giao thông TS Hoàng Văn Bình cho rằng, có nhiều cách khác nhau để các nhà sản xuất đưa ra công nghệ nhận diện cho xe máy chứ không phải bật đèn cả ngày.
Theo TS Hoàng Văn Bình, thay vì việc quy định bật đèn cả ngày như thế thì cơ quan quản lý nên chú trọng vào việc giảm tiếng ồn, khí thải đối với phương tiện giao thông. Hơn nữa, điều này nên quy định với các nhà sản xuất, lắp ra phương tiện chứ không nên nhắm tới đối tượng thực hiện là người tham gia giao thông.
Hiện đang có hai luồng ý kiến xoay quanh đề xuất này. Chính bản thân Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cũng đang băn khoăn bởi quy định này.
Đúng là khi tham gia giao thông trong dòng xe hỗn hợp, xe máy được coi là yếu thế hơn, nên cần đảm bảo nhận diện để an toàn cho người lái xe. Tuy nhiên, đề xuất nào cũng cần phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, có những quy định ở nước khác áp dụng được, nhưng khi đưa vào Việt Nam thì lại không thể áp dụng được. Do đó, cơ quan chức năng cần lắng nghe những phản hồi của chuyên gia, người dân để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ban soạn thảo sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với Việt Nam. "Quan điểm của ban soạn thảo sẽ không cứng nhắc, việc nội luật hóa các quy định chung của quốc tế sẽ phải trên cơ sở phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam." - Ông Tùng khẳng định.
(Theo enternews.vn)