.

Phạt nặng nếu không chấp hành tín hiệu đèn giao thông

Cập nhật: 15:21, 23/09/2020 (GMT+7)

Đa phần người dân chấp hành dừng xe khi đèn đỏ, nhưng vẫn còn nhiều người vượt đèn đỏ tại các giao lộ ở nội ô TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Một người dân rẽ trái từ đường Lý Thường Kiệt vào đường Lê Văn Phẩm khi đèn đỏ.
Một người dân rẽ trái từ đường Lý Thường Kiệt vào đường Lê Văn Phẩm khi đèn đỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông ở nội ô TP. Mỹ Tho như: Đường Lý Thường Kiệt - Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Rạch Gầm, Thủ Khoa Huân - Hùng Vương…, nhiều người vẫn rẽ phải khi đèn đỏ dù không có biển báo phụ cho phép rẽ phải. Nhiều người còn điều khiển xe phía sau luồn lách qua các xe dừng đèn đỏ phía trước để rẽ phải, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ông Dương Văn Hưng (lái xe ôm, ngụ phường 7, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Tôi thường chở khách đi lại trong nội ô TP. Mỹ Tho, gặp nhiều trường hợp người đi xe máy phía sau chen vào khoảng nhỏ hẹp để rẽ phải rất dễ dẫn đến va quẹt, dù ở đó không có phần đường dành cho xe rẽ phải, hay biển báo cho phép rẽ phải”.

Còn ở các ngã ba Lý Thường Kiệt - Lê Văn Phẩm, Thủ Khoa Huân - Nam Kỳ Khởi Nghĩa…, nhiều người vẫn “vô tư” điều khiển xe máy trên phần đường không có ngã rẽ bên phải tiếp tục chạy thẳng khi đèn đỏ, dù không có biển báo phụ cho phép được chạy khi có tín hiệu đèn đỏ.

Ghi nhận thực tế tại điểm đèn tín hiệu ngã ba đường Lê Văn Phẩm - Lý Thường Kiệt vào lúc 15 giờ ngày 21-9, có đến 4 trường hợp người đi xe máy trên đường Lê Văn Phẩm hướng Mỹ Tho - Trung Lương vẫn tiếp tục di chuyển khi đèn đỏ. Có trường hợp, người dân còn rẽ trái vào đường Lê Văn Phẩm khi đèn đỏ.

Theo khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019), người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. 

Theo đó, người tham gia giao thông được rẽ phải khi có người điều khiển giao thông ra hiệu lệnh cho phép hoặc buộc phải rẽ phải (hiệu lệnh có thể trái với tín hiệu đèn giao thông, đèn phụ hoặc biển báo); hoặc khi có tín hiệu đèn phụ hoặc biển báo phụ cho phép tất cả hoặc một loại phương tiện nào đó được rẽ phải. Nếu không có điều kiện được phép rẽ phải như trên thì khi tín hiệu đèn giao thông màu đỏ, tất cả loại phương tiện tham gia giao thông bắt buộc phải dừng lại, không được phép rẽ phải.

Một người dân vẫn chạy thẳng khi đèn đỏ trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Mỹ Tho).
Một người dân vẫn chạy thẳng khi đèn đỏ trên đường Lý Thường Kiệt.

Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định chung về hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt là như nhau, cụ thể: Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn.

CAO THẮNG

.
.
.