Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thành văn hóa giao thông an toàn...
Ảnh minh họa (Nguồn: Phạm Cường). |
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thành văn hóa giao thông an toàn...
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030 xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ; giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các đầu mối giao thông chính, tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông; 100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm...
Chiến lược đề ra nhiệm vụ chủ động ứng dụng và phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông, nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các địa phương và các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ, ngành có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về an toàn giao thông.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu, nhằm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông.
Ứng dụng các công nghệ về an toàn trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông.
Tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để hoàn thiện, phát triển hệ thống đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe tương đương với các nước phát triển trên thế giới.
Xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước; kết hợp phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời các tai nạn giao thông.
Chiến lược cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp về: quản lý, thể chế, chính sách; kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện và vận tải; người điều khiển phương tiện; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông; thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông; phát triển nguồn nhân lực; nguồn kinh phí.
(Theo https://dangcongsan.vn/thoi-su/chien-luoc-quoc-gia-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-570029.html)