Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường xung quanh, các xe chở vật liệu xây dựng không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng để phục vụ các công trình xây dựng của người dân và thi công các dự án, công trình ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, rất lớn. Để có thể vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng từ nơi sản xuất đến nơi xây dựng cần một số lượng phương tiện giao thông đáp ứng các yêu cầu về kết cấu và các tiêu chí đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Tuy nhiên, thực tế, đa phần các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng đều chưa đảm bảo các tiêu chí trên như phương tiện xuống cấp, chở vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người tham gia lưu thông trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Những phương tiện chở vật liệu xây dựng nguy hiểm cho người tham gia giao thông không phải là chuyện mới, nhưng nó vẫn tồn tại khá nhiều trên các tuyến đường, từ thành thị đến nông thôn.
Xe chở vật liệu xây dựng rất đa dạng, từ xe bồn, xe tải, máy cày đến phương tiện nhỏ như xe ba gác, xe gắn máy. Chở hàng hóa cồng kềnh, quá tải, hay làm rơi vãi vật liệu trên đường gây mất an toàn giao thông là những vi phạm thường gặp của các phương tiện này. Đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng… không có dụng cụ che chắn, hay che chắn tạm bợ để rơi vãi xuống đường, hay mang theo bùn đất từ công trình xây dựng lên đường giao thông vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Tại điều 20, Nghị định 100 của Chính phủ quy định cụ thể về việc xử phạt người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông như sau:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh lưu thông trong đô thị.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ;
b) Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;
c) Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố.
5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
6. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.
Để xử lý triệt để tình trạng phương tiện chở vật liệu cồng kềnh, quá tải, không đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường, không chỉ có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, đòi hỏi sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Mức xử phạt phải đủ sức răn đe. Song, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện và cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.
TRỌNG TÍN