Chủ động, ý thức là bảo vệ chính mình và mọi người
Mùa mưa bão đang bắt đầu, các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng liên quan an toàn giao thông (ATGT) đường thủy đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ATGT.
Vào một buổi chiều mưa tháng 5, chúng tôi có dịp tham gia cùng Tổ công tác Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an Tiền Giang tuần tra, kiểm soát trên sông Tiền. Có đi mới thấu hiểu những nguy hiểm đang rình rập trên sông trong mùa mưa, bão.
NGUY CƠ RÌNH RẬP
Không lâu sau khởi hành, Tổ công tác tiếp cận một tàu đang chuẩn bị vào Cảng Mỹ Tho. Thượng úy Phạm Thành Nam cho biết, sóng gió thế này làm cho việc tiếp cận các tàu, sà lan trên giữa sông Tiền rất khó khăn, một chút sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát cũng như nhắc nhở các phương tiện đảm bảo an toàn trên sông, các cán bộ, chiến sĩ luôn phải chủ động, sẵn sàng và luôn đảm bảo các nguyên tắc an toàn khi làm nhiệm vụ.
Các chiến sĩ Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT - Công an Tiền Giang) kiểm tra tàu TG-5437. |
Trao đổi về các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, thuyền trưởng Phạm Văn Tân (ngụ tỉnh Long An) trên tàu SG-7979 cho biết, sóng to, gió lớn, trời chuyển mưa rất dễ xảy ra tai nạn nên các tàu thường rất hạn chế lưu thông. Đặc biệt vào ban đêm, tầm nhìn trên sông rất hạn chế, dù có tín hiệu đèn đi nữa. Còn khi ra vào Cảng Mỹ Tho, các phương tiện luôn phải cảnh giác vì rất dễ va vào ghe cào và các phương tiện nhỏ khác.
Cũng theo Thượng úy Phạm Thành Nam, nhiều năm qua, ý thức chấp hành luật pháp của người điều khiển, chủ phương tiện, người tham gia giao thông đường thủy nội địa ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số vi phạm khá phổ biến và cố ý: Tránh, vượt sai quy tắc; chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; thiếu ý thức đảm bảo ATGT tại các bến phà, đò; thiếu, trang bị không đủ hoặc không trang bị dụng cụ cứu đắm, cứu sinh; vi phạm các quy định an toàn về neo đậu phương tiện; vi phạm về tín hiệu... vẫn còn diễn ra.
Những lỗi vi phạm trên bình thường đã chứa đựng nhiều nguy cơ dẫn đến TNGT đường thủy bất cứ lúc nào. Nếu lỗi vi phạm trên diễn ra vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp thì mức độ nguy hiểm cao hơn gấp nhiều lần.
Điển hình là vụ tai nạn xảy ra trên sông Tiền thuộc thủy phận xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) vào khoảng 14 giờ ngày 12-5. Do mưa lớn kèm gió lốc bất ngờ khiến một sà lan tải trọng trên 1.300 tấn (chở 27 container) do Lê Văn Vũ cầm lái lưu thông hướng miền Tây đi TP. Hồ Chí Minh mất lái đâm vào bè nuôi cá do ông Hồ Văn Hai làm chủ. Cú va chạm mạnh làm chìm 2 bè nuôi, 18 tấn cá đang chuẩn bị thu hoạch thoát ra sông và chìm 150 bao thức ăn. Thống kê thiệt hại ban đầu của gia đình gần 1 tỷ đồng.
NÂNG CAO Ý THỨC TỰ GIÁC
Để đảm bảo ATGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão, Phòng CSGT chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ bến, chủ phương tiện thủy và hành khách tham gia giao thông trên các phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Trong đó, đơn vị chú ý tuyên truyền, vận động người đi trên phương tiện đưa, rước khách ngang sông mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng, ban, ngành có liên quan ATGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực, bến khách nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân… nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông trên các phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa; yêu cầu của các bến thủy nội địa và phương tiện thủy đang hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về giấy phép hoạt động; vị trí bến phải đảm bảo yêu cầu về địa hình ổn định, độ sâu, rộng; người điều khiển phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn; phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm...
Bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý của các ngành chức năng, sự chủ động và ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy là giải pháp hữu hiệu bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và mọi người.
TUẤN LÂM