Các tỉnh, thành cần sớm kiện toàn các tiêu chí nâng cao hiệu quả an toàn giao thông
(ABO) Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Phạm Bình Minh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 vào sáng 6-1.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: VGP/Hải Minh/chinhphu.vn |
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh đánh giá cao kết quả đạt được của các ngành, các bộ, các địa phương trong thời gian qua trong công tác kéo giảm tai nạn giao thông.
Về các nhiệm vụ trọng tâm ATGT năm 2022, đồng chí Phạm Bình Minh yêu cầu: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Điểm cầu tại Tiền Giang. |
Cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.
Đồng thời, các ngành cần tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và người tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.
Và các cơ quan, đơn vị nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông năm 2021 đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020, giảm từ 15 đến 28%. Tình hình ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát cơ bản được kiểm soát. Nguyên nhân khách quan, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp nên từ cuối tháng 6 ở nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, ATGT còn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020; mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong năm qua, tai nạn giao thông (tính từ ngày 15-12-2020 đến 14-12-2021) trên toàn quốc xảy ra 11.495 vụ, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với 12 tháng năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%). Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do tại nạn giao thông tăng là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình; trong đó, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình.
TUẤN LÂM