Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đoàn công tác đã làm việc với Ban ATGT các huyện, thị, thành về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn và kiểm tra thực tế các bến phà, bến khách ngang sông, bến đò du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Công tác kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện tại bến phà Tân Long (TP. Mỹ Tho). Ảnh: LÊ MINH |
THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cái Bè có 136 bến. Qua kiểm tra thực tế, bến du lịch Cái Bè, bến khách ngang sông Vàm Trà Lọt trên địa bàn huyện có giấy phép hoạt động bến, các phương tiện tham gia hoạt động đã được đăng ký, đăng kiểm đúng thời hạn, nhân viên vận hành phương tiện có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Tuy nhiên, tại bến du lịch Cái Bè, hiện nay 2 nhịp cầu tàu bị rỉ sét xuống cấp, đơn vị đã khắc phục tạm thời nhưng chưa chắc chắn và đảm bảo an toàn tuyệt đối khi khách lên xuống tàu. Huyện Cái Bè đề xuất đầu tư kinh phí thay thế mới 2 nhịp cầu tàu này.
Từ đầu năm đến nay (15-12-2021 đến 18-3-2022), trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 2 người, chìm 56 tấn gạo, thiệt hại tài sản khoảng 500 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tăng 2 vụ, tăng 2 người chết. |
Trên địa bàn huyện Cai Lậy có 18 bến khách ngang sông, 8 bến du lịch và 50 bến thủy nội địa. Tuy nhiên, chỉ có 36 bến được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép và 14 bến chưa xin giấy phép, nằm trong hành lang đường bộ, rải rác trên các tuyến kinh trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra thực tế tại bến Cây Dương, bến Tam Bình, nhìn chung các bến đủ điều kiện để đưa vào hoạt động, được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép.
Tuy nhiên, còn một số ít bến hoạt động không phép (do các bến xây dựng nằm trong hành lang ATGT) ảnh hưởng đến trật tự, ATGT trên các tuyến đường như: Đường huyện 66, đường Tây sông Phú An… Huyện Cai Lậy đề xuất quy hoạch tuyến kinh phù hợp để di dời các bến thủy nội địa không đủ điều kiện và không phép hoạt động trong hành lang ATGT đường bộ để đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông trên đường bộ.
Còn trên địa bàn huyện Châu Thành, hiện có bến phà tạm cầu Rạch Miễu 2 (để giải tỏa ùn tắc giao thông cầu trong khi chờ xây dựng cầu Rạch Miễu 2) tại vị trí bến đò khách ngang sông Tiền Song Thuận - Phú Túc (tỉnh Bến Tre), do tỉnh Bến Tre vận hành quản lý. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 9 bến đò khách ngang sông; trong đó, có bến Kim Sơn - Phú Đức (ngang sông Tiền) thuộc xã Kim Sơn tạm dừng hoạt động từ tháng 2-2021, do bến phà tạm cầu Rạch Miễu 2 đi vào hoạt động, không thu phí người đi bộ, xe thô sơ, mô tô 2 bánh (2 bến cách nhau khoảng 2 km).
Mặt khác, vị trí bến đò đang xây dựng cống ngăn mặn Rạch Gầm. Bên cạnh đó, bến Phú Phong - Phú Đức (ngang sông Tiền) thuộc xã Phú Phong hoạt động không thường xuyên, chủ yếu chở hàng hóa. Hơn nữa, vị trí bến đò đang xây dựng cống ngăn mặn Phú Phong.
Để đảm bảo ATGT thủy và kết nối các tuyến giao thông trong khu vực, Ban ATGT huyện Châu Thành đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu Vịnh Cái Bông (bến Long Trị - Long Hòa B trên sông Rạch Gầm) thuộc xã Bàn Long để kết nối 3 xã Phú Phong, Bàn Long, Hữu Đạo và kết nối giao thông từ Quốc lộ 1 - đường huyện 36 - đường huyện 35 - đường tỉnh 864 được thông suốt.
Qua kiểm tra thực tế bến thủy ở TP. Mỹ Tho, bến Tân Long đủ điều kiện để hoạt động, người lái phương tiện có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ phương tiện bố trí áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho người dân khi qua phà và đảm bảo điều kiện cho hành khách đi lại an toàn. TP. Mỹ Tho đề xuất các ngành tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của địa phương đối với công tác quản lý các bến phà, bến khách ngang sông, bến đò du lịch trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Gò Công Đông có 17 bến thủy nội địa. Các bến đò này hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa từ huyện Gò Công Đông đến các địa phương lân cận và ngược lại, góp phần phục vụ tích cực cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Qua kiểm tra thực tế tại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông đều bảo đảm các điều kiện về ATGT. Tuy nhiên, còn một số bến khách chưa niêm yết giá, chưa trang bị bảng nội quy.
Trên địa bàn huyện Tân Phú Đông có 26 bến thủy; trong đó có 14 bến khách ngang sông (5 bến đò, phà liên tỉnh và 9 bến nội tỉnh) và 12 bến thủy nội địa. Hiện có 12 bến khách ngang sông đang vận hành khai thác, 2 bến tạm ngừng hoạt động. Đến nay, có 5 bến được đầu tư đạt chuẩn và được phép chở ô tô như: Tân Long, Phú Đông - Phước Trung, Bình Tân - Cửa Đại, Tân Phú - Tân Thạnh và bến phà Bến Lở.
Qua kiểm tra thực tế, hạ tầng của một số bến đã xuống cấp, hư hỏng cần được đầu tư xây dựng lại như: Bến phà Tân Thới - Bình Ninh, Vàm Giồng, Rạch Vách. Huyện Tân Phú Đông đề xuất UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp bến phà Tân Thới - Bình Ninh đảm bảo tải trọng bến đồng bộ với tải trọng đường tỉnh 877B.
NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG
Sau chuyến kiểm tra, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ cho biết, Ban ATGT cấp huyện làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp trong công tác quản lý, triển khai kịp thời và ban hành các văn bản thực hiện theo chỉ đạo trong lĩnh vực đảm bảo ATGT đường thủy.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, phòng ngừa tai nạn giao thông đối với phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra các bến khách ngang sông, bến phà, bến du lịch trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, chủ động phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa…
Khu vực lên, xuống tại một số bến đò chưa đảm bảo an toàn. |
Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa của một số ít người tham gia giao thông chưa tốt, đặc biệt là người điều khiển phương tiện còn mang tính chủ quan, lơ là. Đa số hành khách đi đò không tự giác mặc áo phao, cầm dụng cụ cứu sinh, cứu đắm.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa chưa được thường xuyên, chưa đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, chủ yếu là tuyên truyền bằng loa phát thanh, biểu ngữ tại các bến khách ngang sông. Lực lượng Công an cấp huyện chủ yếu kiểm tra, xử lý vi phạm khi phương tiện chưa xuất bến hoặc lúc phương tiện cập bến.
Cơ sở vật chất tại một số bến trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông và Tân Phú Đông chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định như không có nhà chờ cho hành khách, không có bảng niêm yết giá, đường dẫn vào bến có tình trạng sạt lở không đảm bảo an toàn vào mùa mưa bão…
“Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa ở địa phương. Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh yêu cầu UBND các phường, xã, thị trấn phải có trách nhiệm trong công tác quản lý các bến thủy trên địa bàn phụ trách; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn) - đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm.
HÀ NAM