.

Tiền Giang: Xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Cập nhật: 20:36, 23/04/2022 (GMT+7)

(ABO) Xử lý mạnh các trường hợp vi phạm nồng cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những biện pháp quan trọng góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

NHIỀU VI PHẠM VƯỢT MỨC PHẠT CAO NHẤT

Trước tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định cho phép đã và đang gây tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông. Công an tỉnh Tiền Giang đã chủ động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn”.

Đối tượng vi phạm có thái độ không chấp hành lực lượng tại đường Nguyễn Công Bình (P.6)
Đối tượng vi phạm có thái độ không chấp hành lực lượng tại đường Nguyễn Công Bình, phường 6, TP. Mỹ Tho.

Có thể nói, gần 2 tháng qua, nhờ khép kín tuần tra mọi khung giờ nên các tổ công tác của các huyện, thị, thành liên tục phát hiện nhiều “ma men” điều khiển phương tiện giao thông. Đáng nói, nhiều trường hợp khi bị phát hiện thì quay xe bỏ chạy, để xe máy lại cho Cảnh sát giao thông (CSGT) tự xử lý hoặc tỏ thái độ xem thường lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Đơn cử, 10 giờ 30 phút ngày 10-4, trên đường Nguyễn Công Bình, phường 6, TP. Mỹ Tho, Tổ công tác Đội CSGT trật tự TP. Mỹ Tho phát hiện người điều khiển xe máy biển kiểm soát 63B8-xxx.07 không đội mũ bảo hiểm, có biểu hiện say xỉn. Ngay khi thấy lực lượng CSGT, đối tượng có thái độ không chấp hành, bỏ xe vào quán cà phê và thản nhiên ngồi hút thuốc xem thường lực lượng CSGT.

Trung tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, sau 45 ngày thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” (từ ngày 1-3-2022 đến nay), lực lượng CSGT toàn tỉnh xử phạt gần 600 trường hợp vi phạm, thu về ngân sách nhà nước gần 3,3 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn huyện Châu Thành là có số người vi phạm nhiều nhất; còn lại các huyện, thị, thành với hơn 71 trường hợp vi phạm và đơn vị Đội 5, Phòng CSGT tuần tra xử lý hơn 207 trường hợp.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ NGHIÊM

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, xử lý mạnh các trường hợp vi phạm nồng cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những biện pháp quan trọng góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cổn, ma túy.

Tuần tra kiểm soát nồng độ cồn trên quốc lộ 1.
Tuần tra kiểm soát nồng độ cồn trên Quốc lộ 1.

Theo đó, toàn lực lượng CSGT bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát 24/24, tập trung xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ: 1, 50, 60, 30 và các tuyến trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông, tập trung kiểm soát tại các khu vực gần quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy,…

Ngoài ra, khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình, thao tác sử dụng thiết bị, hướng dẫn và đề nghị người bị kiểm tra tuân thủ; không sử dụng phễu thổi để đo định tính, mà phải sử dụng ống từng người để đo định lượng; bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn thiết bị đo (mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong phải bỏ vào túi, thùng kín đựng rác thải y tế và thực hiện tiêu hủy theo quy định). Đồng thời, trước khi thực hiện phải quán triệt kỹ yêu cầu nhiệm vụ của kế hoạch, những dự kiến tình huống phức tạp có thể xảy ra, biện pháp giải quyết, để cán bộ, chiến sĩ nắm vững thực hiện đúng quy định.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, trong thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ liên tục thay đổi địa điểm, thời gian tuần tra, xử lý, nhằm tránh tình trạng người vi phạm nồng độ cồn đối phó với lực lượng CSGT. “Các lực lượng sẽ sử dụng camera đã được trang bị, nhất là camera mini để ghi nhận lại hoạt động trong ca công tác. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác sẽ sử dụng biện pháp ghi hình để ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cốn, ma túy” - Thượng tá Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, về lâu dài, người dân cần phải hiểu rằng, cơ quan pháp luật không cấm việc uống rượu, bia, nhưng khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đó là cách tự bảo vệ mình và những người xung quanh tốt nhất khỏi bị tai nạn giao thông.

HOÀNG LONG

 

.
.
.