Tiền Giang: Quyết tâm đảm bảo an toàn giao thông trường học
Ùn tắc giao thông trước cổng trường, học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh… là những thực tế nan giải hiện nay tồn tại trong môi trường học đường. Bên cạnh công tác nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh cũng như phụ huynh. Xoay quanh vấn đề này, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Thị Phượng.
* Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng ATGT tại các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Toàn tỉnh hiện có 570 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT, với tổng số hơn 300 ngàn học sinh và khoảng 19 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết các cơ sở giáo dục đều đặt tại nơi có vị trí quan trọng về mặt giao thông đường bộ của địa phương. Thực trạng hiện nay là tại cổng của một số trường học, nhất là các trường ở đô thị có phần đường trước cổng nhỏ hẹp trong khi số lượng học sinh ra, vào cổng rất đông nên dễ xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ, đặc biệt là vào giờ tan học.
Bên cạnh đó, có nhiều trường THCS và THPT, học sinh tự đi học bằng xe đạp, xe điện, xe máy chạy hàng 2, 3, chạy với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm… gây ra nguy cơ mất ATGT vẫn còn diễn ra. Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực giáo dục, tuyên truyền nhưng ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một số học sinh, phụ huynh hiện nay chưa cao, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, việc đảm bảo ATGT cho học sinh là một trong những vấn đề cần được quan tâm.
* PV: Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai những giải pháp đảm bảo ATGT tại trường học như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTG tại các trường học. Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng phương án đảm bảo trật tự ATGT tại đơn vị gửi về ngành Giáo dục, chính quyền địa phương để theo dõi, chỉ đạo thực hiện.
Tình trạng mất ATGT, vi phạm giao thông trước cổng trường vẫn thường xuyên diễn ra. (Ảnh chụp vào giờ tan trường tại một trường học trên đường Hùng Vương, TP. Mỹ Tho). |
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tỉnh đã chủ động và tăng cường cử lực lượng đoàn viên, thanh niên, bảo vệ hướng dẫn phụ huynh, học sinh đậu xe đúng nơi quy định. Ngành Giáo dục các địa phương trong tỉnh cũng đã ban hành công văn thông báo giờ học và tan trường đến Ban ATGT, Công an huyện, thị, thành và UBND phường, xã được biết để phối hợp thực hiện đảm bảo trật tự ATGT.
Đặc biệt, các trường học đều triển khai cho phụ huynh, học sinh ký cam kết với Ban giám hiệu nhà trường đối với việc không vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông và giữ gìn ATGT trước cổng trường. Các trường bố trí đậu xe đưa, đón học sinh trong sân trường, tránh ùn tắc giao thông tại các cổng trường nhưng không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Có thể thấy, khi có sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và các tổ chức, cá nhân đã góp phần nâng cao ý thức về đảm bảo trật tự ATGT cho các bậc phụ huynh khi đưa đón con tới trường. Chúng tôi tin rằng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa phụ huynh học sinh, nhà trường và các đoàn thể ở mỗi địa phương, nhất là ý thức tự giác của mỗi phụ huynh sẽ dần trở thành thói quen, nền nếp trong giờ đưa, đón học sinh. Từ đó, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường; xây dựng cổng trường an toàn, sạch, đẹp, an toàn giao thông.
* PV: Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để đảm bảo ATGT tại trường học, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Chúng tôi xác định việc giáo dục cho học sinh về chấp hành pháp luật về ATGT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và thực hiện lâu dài. Qua đó, ngành Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, để từ học sinh có hướng tác động đến phụ huynh, người trực tiếp tham gia giao thông. Đối với tất cả lực lượng cán bộ, giáo viên thì sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT.
Đồng thời, các trường tổ chức tuyên truyền đến toàn thể học sinh, phụ huynh biết các hành vi vi phạm trật tự ATGT bằng nhiều hình thức, như: Lồng ghép trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, trong giảng dạy, hệ thống loa phát thanh, nhóm Zalo của các lớp, cổ động trực quan… kể cả lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông của học sinh.
Ngành Giáo dục phối hợp Ban ATGT từ tỉnh đến huyện, thị, thành cùng các ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác giải tỏa trước các cổng trường, xem xét hỗ trợ phương tiện, lực lượng cho các phường - xã để thực hiện công tác giải tỏa khi có đề nghị hỗ trợ. Thường xuyên kiểm tra, rà soát đề nghị bổ sung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, như: Biển báo hiệu giao thông; sơn kẻ vạch tim đường, lối qua đường...
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đ.PHI - T.LÂM (thực hiện)