Thứ Hai, 25/07/2022, 15:06 (GMT+7)
.

Giao thông nông thôn xuống cấp với xe quá tải

Dù có biển hạn chế tải trọng, nhưng mỗi ngày các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn phải “oằn mình cõng” lượng lớn xe tải có dấu hiệu chở hàng quá khổ, quá tải, chở vật liệu xây dựng qua lại.

Đây là bài toán khó cho các địa phương và ngành chức năng liên quan hạ tầng giao thông, đặc biệt là đối với các địa phương đã và đang xây dựng nông thôn mới.

ĐƯỜNG XUỐNG CẤP DO XE QUÁ TẢI

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đường giao thông ở các xã được đầu tư theo tiêu chí cứng hóa; các tuyến đường xã đã nâng cấp thành đường nhựa, đường đan, cấp phối… Thế nhưng, chỉ một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường đã hư hỏng do đường chịu tải trọng thấp nhưng lại có nhiều xe tải lớn lưu thông.

Xe tải T.Đ chở vật liệu xây dựng vào đường có tải trọng 3,5 tấn.
Xe tải T.Đ chở vật liệu xây dựng vào đường có tải trọng 3,5 tấn.

Một người dân sống tại cạnh đường Mỹ Thọ 2 (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) cho biết, con đường này được nhựa hóa cách đây 2 năm nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp. Dù đã cấm biển hạn chế tải trọng 3,5 tấn, nhưng nhiều xe chở vật liệu xây dựng, chở thức ăn gia súc …vẫn lưu thông ngày đêm.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại tuyến đường trên, chỉ trong 15 phút mà có hàng loạt xe chở vật liệu xây dựng của T.Đ (63C 035.XX), T.L (63C100.XX)… lưu thông vào đổ cát và xi măng. Thậm chí qua người dân địa phương, chúng tôi ghi nhận nhiều đoạn đã có dấu hiệu sụp lún, vết nứt kéo dài. “Tình trạng như thế này, mà ngày nào xe tải chở vật liệu, thức ăn… cũng chạy ầm ầm. Tình trạng này không sớm thì muộn đường cũng hư thôi” - một người dân sống ở khu vực tuyến đường trên cho biết thêm.

Lực lượng Thanh tra GTVT xử lý vượt tải xe bê tông Cái Bè.
Lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang xử lý vượt tải xe bê tông Cái Bè.

Tương tự, tại đường liên xã thuộc địa bàn xã Bình Trưng (huyện Châu Thành), chúng tôi ghi nhận xe tải chở vật liệu xây dựng T.Q lưu thông trên tuyến đường đan nông thôn mới của địa phương. Chú T.V.T. (xã Bình Trưng) phản ánh: “Xe chở cát, đá thường xuyên lưu thông trên các tuyền đường nông thôn mới, thậm chí trên cả những tuyến đường đan chiều ngang 5 m, về lâu dài không có biện pháp ngăn chặn sẽ khiến đường hư hỏng. Mong cơ quan chức năng quan tâm, vào cuộc nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trên để các tuyến đường trên không xuống cấp”.

Không riêng ở đường nông thôn, lực lượng chức năng cũng rất khó khăn trong việc chặn, xử lý đối với xe chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải trên các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Tình trạng này không chỉ phá hỏng kết cấu mặt đường, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Thực tế không ít mặt đường đan, đường nhựa ở một số nơi bắt đầu biến dạng, xuất hiện ổ gà, ổ trâu…, trong khi nguồn kinh phí bảo dưỡng hạ tầng cho các tuyến đường nông thôn mới vẫn còn hạn hẹp.

KHÓ XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ

Theo một số ngành chức năng liên quan an toàn giao thông (ATGT), các tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng đều là đường giao thông chính của xã. Trên các tuyến đường này đều có biển cảnh báo hạn chế tải trọng lưu thông. Tuy nhiên, các xe tải chở vật liệu xây dựng vẫn cố tình vi phạm khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát.

Xe tải chở vật liệu Tùng Quân trên tuyến đường đan nông thôn xã Bình Trưng, Châu Thành.
Xe tải chở vật liệu Tùng Quân trên tuyến đường đan nông thôn xã Bình Trưng, huyện Châu Thành.

Trước vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo) Phạm Văn Sáu chia sẻ, các xe tải vận chuyển cát, đá chạy qua địa bàn xã cả ngày lẫn đêm trên các tuyến đường liên xã và nông thôn. UBND xã chỉ đạo quyết liệt Công an xã kiểm tra, xử lý các xe quá tải trên địa bàn cũng như các xe nơi khác lưu thông vào địa phương. Tuy nhiên, xã chưa đủ thẩm quyền xử lý triệt để các xe quá tải. Do đó, để giải quyết tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đón lõng, chặn xử lý ở tuyến đường này thì các xe lại đi đường khác nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Còn theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hoàng Thanh, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ nên tình trạng xe quá tải đã tăng trở lại, trang thiết bị thường xuyên hư hỏng nên lực lượng Thanh tra Sở GTVT gặp không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Thanh tra chuyên ngành của Cơ quan Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam với Thanh tra Sở GTVT và chính quyền địa phương tuy có nhưng chưa thường xuyên thực hiện.

“Bên cạnh đó, trong khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Thanh tra không được dừng phương tiện khi chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Một số ít chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT đường bộ chưa cao; chưa nhận thức được việc chấp hành là trách nhiệm, vừa là quyền lợi nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình; luôn tìm cách đối phó, trốn tránh lực lượng thi hành công vụ” - đồng chí Nguyễn Hoàng Thanh cho biết thêm.

HOÀNG LONG






 

.
.
Liên kết hữu ích
.