Thứ Sáu, 21/10/2022, 08:32 (GMT+7)
.

Để tai nạn giao thông không còn xảy ra ở học sinh và trẻ em

Giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) và tăng cường giáo dục văn hóa giao thông, kiến thức về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh (HS) không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, phụ huynh, mà cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng…

Tuyên truyền ATGT tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho).
Tuyên truyền ATGT tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi năm có 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT; trong đó, học sinh có liên quan đến 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này đang có xu hướng gia tăng.

Còn theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021 có 18 vụ TNGT liên quan trẻ em, làm 10 trẻ tử vong, bị thương 8 trẻ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT, mà nguyên nhân vụ việc xảy ra tai nạn liên quan đến các em dưới 18 tuổi. Riêng theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Tiền Giang, chỉ trong 1 tháng cao điểm (tháng 9-2022), lực lượng CSGT toàn tỉnh xử lý 104 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT trong độ tuổi học sinh (từ 16 tuổi đến 18 tuổi), tăng trên 270% so với cùng kỳ năm 2021.

Bác sĩ Võ Minh Cường, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cho biết, mỗi năm, đơn vị tiếp nhận từ 7 - 8 ngàn trường hợp nhập viện vì TNGT. Cụ thể, TNGT trong năm 2020 có 8.437 trường hợp, năm 2021 có 5.930 trường hợp. Trong đó, trẻ em nhập viện do TNGT trong năm 2021 là 638 trường hợp và bình quân mỗi năm có 400 trường hợp chấn thương đầu ở trẻ em.

“Điều đáng quan tâm ở đây là ngoài tỷ lệ tử vong cao, chấn thương do TNGT còn để lại hậu quả nghiệm trọng ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống con người. Trong số tác nhân gây ảnh hưởng nặng nề nhất là chấn thương sọ não do TNGT. Điều trị các em này rất tốn kém vì cần đến sự hỗ trợ của các chuyên khoa tuyến trên, còn chưa kể các di chứng nặng nề về sau” - Bác sĩ Võ Minh Cường chia sẽ thêm.

Tuyên truyền ATGT qua hình ảnh tại Trường Tiểu học Phước Thạnh (TP.Mỹ Tho).
Tuyên truyền ATGT qua hình ảnh tại Trường Tiểu học Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho).

Còn theo ghi nhận thực tế của phóng viên, chúng tôi rất dễ dàng bắt gặp học sinh, trẻ em đi xe máy, xe máy điện… chạy chở 2, chở 3, chạy dàn ngang trên quốc lộ, không đội mũ bảo hiểm… Thậm chí, nhiều phụ huynh biết con em mình chưa đủ tuổi nhưng vẫn cho điều khiển xe mô tô. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT ở trẻ em và học sinh, nhưng hậu quả chỉ có một, là sự đau thương và mất mát của gia đình, mọi người khi mất đi người thân, ban bè chỉ vì TNGT.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Theo các nghiên cứu của Ủy ban ATGT Quốc gia, số trẻ em thương vong do TNGT trong 10 năm trở lại đây có dấu hiệu gia tăng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong và chấn thương nhiều nhất. Có 4 nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là ý thức, kỹ năng, kiến thức pháp luật và tình trạng cơ thể khi tham gia giao thông.

Chính vì thực trạng trên, từ đầu năm đến nay, Ban ATGT từ tỉnh đến huyện cùng lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh.

Theo thống kê, lực lượng CSGT đã  tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại trường học được 21 buổi với 3.380 học sinh, giáo viên tham dự; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về ATGT cho 8.215 học sinh, sinh viên, giáo viên; tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên chưa đủ điều kiện điều khiển cho 2.215 cha, mẹ, phụ huynh; tổ chức 5 đội tình nguyên hướng dẫn giao thông tại các cổng trường với 58 mô hình cổng trường ATGT.

Trung tá Nguyễn Văn Trai, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, buổi tuyên truyền tại các trường học góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông của các em. Đơn vị tập trung nhấn mạnh một số nội dung như nguyên nhân, hậu quả của TNGT; ý nghĩa của biển báo hiệu giao thông và một số biển báo thường gặp…

Còn theo Trung tá Đặng Văn Cường, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tại các buổi tuyên truyền, ngoài việc nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành các quy định trong trường học, hoạt động tuyên truyền còn có ý nghĩa thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của giáo viên và học sinh, mỗi cá nhân trở thành tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và mọi người xung quanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT.

Riêng đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông.

Ngoài ra, các trường học sẽ thường xuyên tăng cường tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn thông qua các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Đặc biệt là khuyến khích các trường học xây dựng và nhân rộng các mô hình phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.

Song song đó, nhà trường phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT ở khu vực trước cổng trường học, xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” không để xảy ra tình trạng mất ATGT, ùn tắc giao thông trong khung giờ tan trường.

HOÀNG LONG

.
.
.