Tiền Giang: Sạt lở diễn biến phức tạp dọc sông Ba Rài
(ABO) Sạt lở cặp sông Ba Rài trên địa bàn các xã Cẩm Sơn và Hội Xuân (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều đoạn của huyện lộ 54B và 54C, trong đó nhiều điểm sạt lở lấn sâu đến tận nhà dân, giao thông bị chia cắt.
Sạt lở gần sát đến nhà dân. |
Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 11-10, một đoạn đường sạt lở dài bị khoảng 40 m nằm trên huyện lộ 54B thuộc xã Hội Xuân vừa xảy ra; trong đó, nhiều đoạn gần như mất đường giao thông. Đoạn sạt lở đã chia cắt đường giao thông của hàng trăm hộ dân khu vực này. Do bị sạt lở nên việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Nhà tiền chế bị chìm xuống sông. |
Chủ tịch UBND xã Hội Xuân Dương Trần Trọng Quang cho biết, đoạn sạt lở trên có chiều dài khoảng 40 m, bề ngang rộng khoảng 6 m và chiều sâu khoảng 4 m. Trong đó, 1 đoạn 20/40 m sụp hoàn toàn, ăn sâu vào đất người dân, 1 căn nhà tiền chế không người ở rơi xuống sông. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã đã xuống hiện trường tiến hành khảo sát, cảnh báo người dân đi lại khu vực này. Đồng thời, địa phương cũng đã rào chắn 2 đầu điểm sạt lở để người dân đi đường khác.
Giao thông bị chia cắt. |
"Nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở nhiều khả năng là do sự thay đổi của dòng chảy, tuyến sông Ba Rài có rất nhiều ghe tàu qua lại khiến nước xoáy sâu vào đất liền nên xảy ra tình trạng sạt lở trên. Tình hình sạt lở khu vực này đang có nguy cơ tiếp diễn khi triều cường dâng cao. Sáng nay, Đoàn khảo sát UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra tình trạng, đánh giá đưa ra phương án xử lý” - đồng chí Quang cho biết thêm.
Đoạn đường gần 40m bị ảnh hưởng. |
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục sạt lở khu vực này từ nhiều nguồn kinh phí và giải pháp khác nhau nhưng các điểm vẫn cứ tiếp tục sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy xảy ra 93 điểm sạt lở với chiều dài 4.195 m, cần khoảng 69 tỷ đồng để khắc phục. Trong đó có 52 điểm sạt lở lớn và nguy hiểm vượt quá dự phòng ngân sách cấp huyện cần phải được xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản của người dân.
Trước vấn đề trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Tài chính cho ý kiến về nguồn kinh phí 51,610 tỷ đồng để xử lý 52 điểm sạt lở nêu trên. Riêng đối với 41 điểm sạt lở còn lại với chiều dài 1.052 m, kinh 17,321 tỷ đồng (huyện Cái Bè 35 điểm; huyện Châu Thành 6 điểm) sẽ sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để xử lý.
HOÀNG LONG