Thứ Ba, 07/02/2023, 21:03 (GMT+7)
.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

Thượng tôn pháp luật để hình thành văn hóa ứng xử với nồng độ cồn

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Để giảm thiểu tình trạng vi phạm nồng độ cồn, mỗi tổ chức, gia đình cần quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về các vấn đề liên quan thực trạng và giải pháp phòng, chống nạn sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông.

Tín hiệu đáng mừng nhìn từ số liệu xử phạt

- Theo báo cáo, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã tăng gần 600% so với cùng kỳ năm 2022. Xin ông cho biết một số thông tin về tình trạng vi phạm nồng độ cồn trong thời gian vừa qua? Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

Ông Khuất Việt Hùng: Cuối năm 2022, với tinh thần quyết liệt, không can thiệp, không có vùng cấm, Bộ Công an đã triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết, trong đó tập trung mạnh vào xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn. Kết quả, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Quý Mão. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số lượng xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%).

Số lượng các vụ vi phạm về nồng độ cồn được phát hiện tăng cao có thể lý giải trên một số nguyên nhân như sau.

Việc uống rượu, bia trong các dịp lễ, Tết là một thói quen, tập quán không chỉ của người Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 1/1 hằng năm luôn là ngày có số tai nạn giao thông nhiều, trong đó chủ yếu liên quan bia, rượu.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển mô-tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn này, mức xử phạt đối với người vi phạm đã rất cao và không có sự du di nào cả.

a
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng: Việc phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ giúp ngăn chặn từ xa nguy cơ về tai nạn giao thông. Do đó, số trường hợp bị phát hiện và xử phạt tăng là một tín hiệu đáng mừng. (Ảnh: Thành Đạt)

Có thể nói, chưa bao giờ một Nghị định khi ra đời lại nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao như vậy của nhân dân. Trong giai đoạn đầu năm 2020 khi triển khai vào thực tế, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã chứng minh được hiệu quả khi ngay trong tháng đầu tiên, số ca tử vong do tai nạn giao thông đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước đó.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đã dần tạo ra thói quen tốt: Đã uống rượu bia là không lái xe. Tuy nhiên, đúng giai đoạn này thì dịch Covid-19 xuất hiện. Giãn cách xã hội kéo dài khiến cho nhiều thói quen mới được hình thành bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Một bộ phận người dân quay trở lại “nếp cũ” là uống rượu bia rồi không tuân thủ luật, điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

a
Một vụ tai nạn do tài xế ô-tô sử dụng rượu bia khi lái xe tại Phú Quốc, Kiên Giang đầu tháng 2/2023

Cộng với việc, so với Tết Nguyên đán 2022, Tết năm nay, lưu lượng giao thông đã tăng cao hơn nhiều. Do đó, ngay khi Bộ Công an triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm như đã nêu trên, số lượng vi phạm lỗi nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý ngay lập tức tăng cao. Đây là điều hết sức bình thường.

- Vậy đây là tín hiệu đáng mừng hay cần phải lo ngại, cảnh báo, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, đây là điều đáng mừng. Bởi mặc dù số trường hợp vi phạm nồng độ cồn tăng, nhưng cũng theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tai nạn giao thông lại giảm cả về số vụ lẫn số người tử vong so với dịp Tết 2022, trong khi hoạt động giao thông chắc chắn cao hơn năm trước.

Theo báo cáo, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 20-26/1), toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 12 vụ (7,3%), giảm 3 người chết (3,3%) và tăng 8 người bị thương (8%).

Số liệu từ Bệnh viện Việt Đức cũng cho thấy, trong Tết 2023, số vụ cấp cứu vì tai nạn giao thông đã giảm tới 40%. Nói cách khác, việc phát hiện số vụ vi phạm lỗi nồng độ cồn tăng lên đã giúp chúng ta ngăn chặn các nguy cơ từ xa.

Cũng cần phải bổ sung thêm, khi việc xử phạt được thực hiện trên tinh thần không có vùng cấm, không thể can thiệp; đồng thời thông báo tới đông đảo nhân dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn về lâu dài, số lượng vi phạm lỗi nồng độ cồn sẽ giảm đi. Thói quen, văn hóa giao thông mới sẽ có điều kiện hình thành trở lại.

- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhiều lần nhận định: Hiện nay, chế tài xử phạt hành vi lái xe khi đã uống rượu bia vẫn chưa đủ tính răn đe. Xin ông cho biết cụ thể hơn về quan điểm này?

Ông Khuất Việt Hùng: Cá nhân tôi cho rằng, chế tài xử phạt hiện nay đã là tương đối nặng. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chúng ta mới đưa ra mức xử phạt cao nhất với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nhưng, thực tế có những người uống gấp 3,4 lần ngưỡng này.

Trước đây, đã có nhiều ý kiến đề xuất đối với ngưỡng 0,8 miligam/lit khí thở thì cần phải xem xét xử lý hình sự. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng hình phạt tù cho lỗi vi phạm nồng độ cồn. Tôi cho rằng, nếu phát hiện nồng độ cồn ở ngưỡng cao (từ 1 miligam/lit khí thở trở lên) cũng nên xem xét để xử lý hình sự.

Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông có khả năng gây uy hiếp, có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông nguy hiểm có thể bị xem xét xử lý hình sự, kể cả trong trường hợp chưa gây ra hậu quả. Quy định đã có, điều chúng ta cần là hướng dẫn triển khai cụ thể.

Trước đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã đề nghị Hội đồng Thẩm phán nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn cho vấn đề này và vẫn đang được nghiên cứu. Đối với những trường hợp sử dụng quá nhiều rượu bia, gần như mất kiểm soát và lý trí mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội, tôi cho rằng rất cần thiết phải áp dụng các quy định xử lý hình sự như trong điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ.

Chống "ma men" cần đi vào thực chất

- Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhưng dường như, Luật này vẫn chưa thực sự đi vào thực tế?

Ông Khuất Việt Hùng: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có rất nhiều điều khoản quy định. Ngoài ra cũng đã có Nghị định hướng dẫn đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc. Tuy nhiên, tới lúc này, chưa có số liệu nào thể hiện việc xử phạt như quy định.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được ban hành nhưng theo ông Hùng, cho tới nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy việc xử phạt khi vi phạm luật này trừ các trường hợp "ma men" bị Cảnh sát giao thông phát hiện.

Do đó, theo tôi, bên cạnh việc các lực lượng bảo vệ pháp luật về an toàn giao thông tiến hành phát hiện, xử phạt theo Nghị định 100, thì cũng phải đồng bộ các lực lượng khác chịu trách nhiệm thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Có như thế mới thực sự hiệu quả, không chỉ cho giao thông mà còn đối với tất cả các lĩnh vực khác. Ở đây, cần nói tới trách nhiệm của ngành công thương, lực lượng thanh tra y tế. Và quan trọng hơn, là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, nơi người lao động làm việc.

- Nhiều người có nói về ngưỡng chịu đựng rượu, bia. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng: Trước đây, chúng tôi đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Việt Đức (Đại học Việt Đức) tiến hành nghiên cứu. Chúng tôi chọn ngẫu nhiên các sinh viên, cho họ uống bia ở các mức độ khác nhau rồi đưa vào lái mô-tô mô phỏng. Kết quả cho thấy, khi sử dụng 1 lon bia, nguy cơ tai nạn giao thông đã tăng gấp 3 lần.

Ở đây, cần phải xác định: Nguy cơ tai nạn giao thông lớn nhất thường xuất hiện khi người điều khiển phương tiện cảm thấy rất tự tin. Sử dụng rượu bia lại khiến cho sự tự tin lớn hơn, khiến người ta không còn cảm thấy sợ nữa và có thể xử lý tất cả mọi tình huống. Nhưng chỉ cần một giây biến thiên, tai nạn có thể đã xảy ra.

- Vậy làm thế nào để xua tan đi tâm lý về ngưỡng chịu đựng này thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Tôi cho rằng, chỉ có một cách: Tất cả mọi người phải xác định rõ đây là quy định của pháp luật và phải thượng tôn pháp luật. Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ dần hình thành được thói quen và văn hóa giao thông thực sự tốt.

Năm 2023, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã lấy chủ đề Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Thượng tôn pháp luật là ngưỡng tiêu chuẩn để hình thành văn hóa giao thông.

a
Một lái xe đang đo nồng độ cồn tại Hà Nội.

- Văn hóa giao thông nói chung, văn hóa sử dụng rượu bia nói riêng có lẽ cần phải được hình thành từ chính cộng đồng, nơi người lao động làm việc?

- Ông Khuất Việt Hùng: Trong Nghị quyết mới của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về thập kỷ hành động về an toàn giao thông, đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2030 đã hướng tới việc xây dựng văn hóa an toàn giao thông trong từng tổ chức, từng gia đình.

Cụ thể, một doanh nghiệp có kế hoạch an toàn giao thông, từ phương án đi lại hằng ngày. Mỗi cơ quan nếu đưa ra được tiêu chí đã uống rượu bia thì không lái xe và thực hiện nghiêm túc, không có ngoại lệ thì hiệu quả đạt được sẽ rất rõ ràng. Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các tổ chức cũng như sự cần thiết của việc đưa ra một quy chế xử phạt rõ ràng.

Khoản 5 Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định rất rõ: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên không được phép uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Muốn làm được thì trong nội bộ tổ chức phải thực hiện rất nghiêm. Hiện nay, đã có một số đơn vị trao đổi với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để thực hiện việc này.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, chúng tôi cũng sẽ phối hợp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai tôn vinh các lãnh đạo, thủ lĩnh trẻ về an toàn giao thông. Đó là những cán bộ Đoàn nêu gương về thực thi pháp luật an toàn giao thông. Đây cũng là những phong trào thực chất.

"Tôi cho rằng, nếu thực hiện một cách toàn diện việc phòng, chống tác hại của bia, rượu theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật trong từng tổ chức, từng gia đình, số lượng vi phạm chắc chắn sẽ giảm; từ đó đồng thời giảm áp lực cho lực lượng thực thi pháp luật", ông Khuất Việt Hùng nói.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.