.

Bến phà chưa gia hạn giấy phép hoạt động, không đảm bảo ATGT vẫn hoạt động

Cập nhật: 15:25, 04/03/2023 (GMT+7)

(ABO) Một số người dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phản ánh về việc Bến phà Cây Dương (phà Cả Bần ấp Tân Đông) vận chuyển hành khách qua sông Tiền từ xã Ngũ Hiệp đến xã Tân Phú, tỉnh Bến Tre và ngược lại có giấy phép hoạt động đã hết hạn, chưa được cấp phép gia hạn nhưng vẫn hoạt động bình thường.

Bến phà Cây Dương.
Bến phà Cây Dương.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào ngày 3-3, đường dẫn vào bến phà chỉ là đường đan 3 m, chỉ đảm bảo xe máy và phương tiện thô sơ vào bến. Còn ghi nhận tại bến phà, vị trí của 2 đầu bến phà Tiền Giang và Bến Tre rất rộng, hành khách qua lại trên phà không mặc áo phao theo quy định, chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.

Thông qua Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, chúng tôi được biết, Bến phà Cây Dương do bà Trình Thị Ngọc Mai (ấp Tân Đông, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) làm chủ. Bến phà đã gia hạn giấy phép hoạt động nhiều lần. Thời điểm gia hạn cuối cùng từ ngày 17-1 đến ngày 28-2-2022. Do đó, giấy phép hoạt động bến phà đã hết hạn kể từ ngày 1-3.

Đường vào bến phà Cây Dương.
Đường vào Bến phà Cây Dương.

Một số người dân cho biết, bến phà trên không đảm bảo điều kiện, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân vùng Ngũ Hiệp, do phà nhỏ, bị giới hạn tải trọng. Thương lái, người dân vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn khi mua bán, đặc biệt là vào vụ sầu riêng. “Khi qua phà, đa số chúng tôi chỉ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, dốc 2 đầu bến khá cao, nhiều lúc xảy ra sự cố” - một thương lái sầu riêng cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương cho biết, bến phà do xã quản lý. Thời gian qua, nguồn thu hoạt động bến phà được nộp vào ngân sách địa phương 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre theo định kỳ mỗi bên 6 tháng. Chính quyền địa phương đang làm hồ sơ đấu thầu lại bến phà và công khai rộng rãi để tạo điều kiện doanh nghiệp vào khai thác hiệu quả và đảm bào điều kiện ATGT cho người và phương tiện qua lại. Đồng thời, tăng công suất chở hàng hóa cho phà để đảm bảo nhu cầu của người dân trong vận chuyển hàng hóa nông sản, đặc biệt là sầu riêng.

"Hiện tại, UBND huyện Cai Lậy chỉ xem xét và cho gia hạn tới đến ngày 31-3-2022 để hoàn tất thủ tục hồ sơ đấu thầu bến phà và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu nhằm đầu tư các hạng mục, khai thác đưa vào sử dụng một cách hiệu quả hơn” - đồng chí Nguyễn Hồng Thương cho biết thêm.

Giấy phép gia hạn của bến phà Cây Dương.
Giấy phép gia hạn của Bến phà Cây Dương.

Còn riêng về vấn đề bến phà hết hạn, UBND xã Ngũ Hiệp đã trình cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng  huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cai Lậy trình UBND huyện duyệt gia hạn hợp đồng thu phí dịch vụ sử dụng đò, phà Cả Bần ấp Tân Đông năm 2022 đến khi hoàn tất thủ tục đấu giá.

Lý do gia hạn bến phà, vào ngày 12-1-2023 UBND huyện cho phép xã ký phụ lục gia hạn hợp đồng giao khoán Bến đò Cây Dương từ ngày 1-1-2023 đến ngày 28-2-2023. Đến nay, UBND xã đã hoàn tất thủ tục thu hồi đất.

Đồng thời, UBND xã đã kết hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện khảo sát xong, để tính lại giá trị hạng mục Cầu bến, đường dẫn vào bến đò, thỏa thuận với bên chủ phà xác định giá trị còn lại trước khi đưa vào lập thủ tục đấu giá. Do vậy UBND xã chưa tổ chức đấu giá theo quy định. Thời gian xin tiếp tục gia hạn từ ngày 28-2-2023 đến hết ngày 31-5-2023. Giá ký phụ lục hợp đồng gia hạn 3.947.500 đồng/tháng.

Trước nhu cầu đi lại của người dân, dù chưa được cấp giấy phép lại, bến phà vẫn hoạt động bình thường, thế nhưng nếu tai nạn xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm, xử lý như thế nào? Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo các điều kiện ATGT cho người dân qua lại giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

HOÀNG LONG

.
.
.