Thứ Bảy, 01/04/2023, 10:07 (GMT+7)
.

TNGT trong quý I-2023 tại Tiền Giang: Giảm sâu cả 3 tiêu chí

Trong quý I-2023, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ TNGT, làm chết 49 người, bị thương 43 người. So với cùng kỳ quý I-2022, số vụ TNGT giảm 55 vụ, số người chết giảm 42 người, số người bị thương giảm 13 người.

Theo đó, có 6 địa phương giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 là các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TP. Mỹ Tho; huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo là 2 địa phương giảm tiêu chí về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, có 2 địa phương tăng về số người chết so với cùng kỳ là huyện Tân Phước và TX. Cai Lậy.

Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu là sai làn đường (15 vụ), tốc độ (1 vụ), vượt xe khác (3 vụ), chuyển hướng (6 vụ), tránh xe khác (1 vụ), không nhường đường (1 vụ), do người đi bộ (6 vụ), sử dụng rượu, bia (4 vụ)...

Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ (ảnh chụp trên đường ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông).
Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ (ảnh chụp trên đường ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông).

Tuyến địa bàn xảy ra tai nạn, va chạm giao thông do Cục Cảnh sát giao thông phụ trách xảy ra 7 vụ, chết 3 người, bị thương 7 người. Cụ thể, các tuyến cao tốc: TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương xảy ra 3 vụ tai nạn, làm chết 2 người, bị thương 2 người; Trung Lương - Mỹ Thuận xảy ra 4 vụ tai nạn, làm chết 1 người, bị thương 5 người.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong quý I-2023, là thời điểm diễn ra Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023, người dân về quê đón tết, tham gia các lễ hội xuân cùng gia đình nên người và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã được triển khai đồng loạt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân dịp Tết Nguyên đán đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, không xảy ra TNGT đường thủy.

TNGT đường bộ giảm sâu cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, số vụ tai nạn giảm 7 vụ (6/13 vụ), số người chết giảm 5 người (5/10 người), số người bị thương giảm 4 người (2/6 người).

Ở lĩnh vực đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 8.429 vụ vi phạm trật tự ATGT, tổng số tiền phạt hơn 13 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.288 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, tạm giữ 1.288 phương tiện, 1.288 giấy tờ, thành tiền 6,789 tỷ đồng; vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng hóa quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ đã phát hiện, xử lý 131 trường hợp vi phạm, tước Giấy phép lái xe 79 trường hợp, tước phù hiệu phương tiện 48 trường hợp, tước 4 tem kiểm định, tạm giữ 4 phương tiện, hạ tải 3 trường hợp. Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.489 trường hợp vi phạm về tốc độ, tạm giữ 19 phương tiện, tước 296 Giấy phép lái xe.

Bên cạnh đó, công tác chống đua xe trái phép được chỉ đạo xử lý quyết liệt, nghiêm túc, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý, răn đe được nhiều đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập, gây mất trật tự ATGT, trật tự công cộng. Tuy nhiên, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành đoàn điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, rú ga gây mất trật tự ATGT, trật tự công cộng có lúc, có nơi vẫn còn xảy ra. Công tác nắm tình hình, nhất là công tác điều tra cơ bản, nắm chắc các đối tượng cầm đầu, tổ chức đua xe; đối tượng thực hiện hành vi đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; đối tượng tụ tập cổ vũ… của lực lượng Cảnh sát giao thông một số địa phương còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, Ban ATGT tỉnh và các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng như cấp phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, poster tuyên truyền về hệ thống báo hiệu đường bộ… góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông. Mặc dù ý thức chấp hành pháp luật về ATGT tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều vi phạm, người dân biết rõ luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, tiềm ẩn xảy ra TNGT cao. Các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm về tốc độ, đi sai làn đường, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không Giấy phép lái xe…

Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã được tăng cường, ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, các lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã, phường, thị trấn tham gia tuần tra và giải tỏa lòng đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trên các tuyến đường trọng điểm, góp phần răn đe, phòng ngừa TNGT. Đặc biệt là triển khai cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, tình trạng một số hộ dân mua bán lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông còn xảy ra và là nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao, nhất là ở tuyến Quốc lộ 1 (đoạn thuộc khu vực huyện Cái Bè, khu vực Trạm thu phí cầu Mỹ Thuận cũ)… Việc khắc phục, phòng ngừa tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở chính quyền địa phương (nhất là cấp xã) chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp đơn vị chức năng đã thu dọn, xử lý giao lại cho chính quyền địa phương nhưng sau thời gian lại tái diễn.

Một phần nguyên nhân hạn chế tồn tại dẫn đến nguy cơ TNGT cao là sự phân chia làn đường trên các tuyến quốc lộ, phần làn đường hỗn hợp cho phép các loại xe ô tô tải, xe mô tô lưu thông hỗn hợp rất dễ xảy ra va chạm giao thông dẫn đến TNGT, mà nạn nhân chủ yếu là người điều khiển các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy.

HÀ NAM

.
.
.