.

Tiền Giang: Các địa phương quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông

Cập nhật: 15:32, 23/06/2023 (GMT+7)

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần được kiềm chế. Đây là tín hiệu khả quan để các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT ở những tháng tiếp theo.

TÍN HIỆU KHẢ QUAN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, số vụ giảm 93 vụ (140/233 vụ, giảm -39,9%), số người chết giảm 66 người (102/168 người, giảm -39,3%), số người bị thương giảm 34 người (71/105 người, giảm -32,4%).

7 địa phương giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022 là các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Cai Lậy và TP. Mỹ Tho; 2 địa phương giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người chết là huyện Châu Thành và Tân Phú Đông. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

TP. Mỹ Tho là một trong các địa phương giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ. Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Mỹ Tho Trần Mạnh Khương cho biết, trong công tác đảm bảo TTATGT, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, quá tốc độ, quá tải...

Ngoài ra, công tác xử phạt qua camera giám sát đã tác động đến ý thức người dân, góp phần tuyên truyền và tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân khi tham gia giao thông, giảm số vụ vi phạm tại các giao lộ.

Công tác xử lý việc buôn bán lấn chiếm trên cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) được triển khai quyết liệt.
Công tác xử lý việc buôn bán lấn chiếm trên cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) được triển khai quyết liệt.

Còn theo Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng với việc lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm TNGT nên những tháng đầu năm 2023, công tác đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Theo đó, Ban ATGT tỉnh và các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như cấp phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; poster tuyên truyền về hệ thống báo hiệu đường bộ… góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông.

Đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm về một trong các nguyên nhân làm cho số vụ TNGT giảm là công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã được tăng cường, ngoài lực lượng CSGT, các lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã, phường, thị trấn tham gia tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trên các tuyến đường trọng điểm, góp phần răn đe, phòng ngừa TNGT.

Đặc biệt là triển khai cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện làm cho số vụ TNGT do nồng độ cồn giảm hẳn.

QUYẾT TÂM HƠN NỮA

Đồng chí Trần Mạnh Khương cho biết, mặc dù TNGT trên địa bàn TP. Mỹ Tho có giảm 3 tiêu chí nhưng hạn chế trong công tác tuyên truyền là chưa thật sự tác động đến đối tượng cần tuyên truyền nên TNGT vẫn còn xảy ra trên địa bàn.

Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân chưa cao, vẫn còn xảy ra tình trạng người dân uống rượu, bia điều khiển xe trên đường, không chấp hành tín hiệu đèn, không đội mũ bảo hiểm và đi ngược chiều...

Công tác duy tu đường giao thông, khống chế các điểm che khuất tầm nhìn, chưa được thực hiện kịp thời. Tình trạng người dân mua bán, đặt biển hiệu, quảng cáo vi phạm lòng lề đường, vỉa hè trên các tuyến đường, phương tiện đậu xe trên lòng đường đô thị... vẫn còn tồn tại chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời; chưa duy trì tốt kết quả thực hiện sau khi ra quân kiểm tra, giải tỏa...

Còn theo Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cái Bè Võ Thanh Hiền, trên địa bàn huyện ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân tuy có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn bộ phận nhỏ người dân cố tình vi phạm, còn nặng tính đối phó với lực lượng chức năng.

Tình trạng đua xe trái phép không xảy ra, nhưng tình hình thanh, thiếu niên tụ tập xe mô tô, xe gắn máy thành đoàn chạy nẹt pô, rú ga, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng... vẫn còn xảy ra, gây mất TTATGT trên địa bàn. Ngoài ra, việc đưa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào lưu thông, góp phần giảm lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông kéo dài trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện.

Tuy nhiên, các phương tiện lưu thông có lưu lượng lớn tập trung từ các hướng tại nút giao An Thái Trung gây ra tình trạng ùn ứ cục bộ, nhất là vào các dịp cao điểm lễ, tết, ngày cuối tuần.

Đối với huyện Châu Thành, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, trong 6 tháng đầu năm huyện xảy ra 14 vụ TNGT, làm tử vong 7 người, bị thương 14 người, thiệt hại tài sản khoảng 412 triệu đồng.

Thực tế đó cho thấy, tình hình TTATGT trên địa bàn huyện vẫn còn phức tạp, nhiều điểm đen về ATGT vẫn chưa xử lý dứt điểm. Cụ thể, địa phương kiến nghị, Ban ATGT tỉnh xem xét lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên Quốc lộ 1 (giao Quốc lộ 1 - đường Gò Lũy, đường huyện 37 cũ); đoạn khu vực cầu Bến Chùa (giao Quốc lộ 1 - đường Ngô Văn Tý) va chạm thường xuyên do vị trí này có Trường Mầm non Long An, Tiểu học - THCS Long An và UBND xã Long An nên người và phương tiện tham gia giao thông rất đông. Khảo sát lắp đèn tín hiệu trên đường Lộ Dây Thép (nút giao ngã tư Bến Lội), đường này kết nối Quốc lộ 1, đường huyện 32 và 39B lượng công nhân tham gia giao thông rất nhiều để di chuyển đến Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) và Tân Hương (huyện Châu Thành), ngoài ra có trên 1.500 học sinh của Trường THPT Tân Hiệp tham gia giao thông.

Đặc biệt, kiến nghị Khu Quản lý đường bộ IV sớm khắc phục hệ thống chiếu sáng trên đường dẫn cao tốc, đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa khắc phục. Sớm có ý kiến lắp hộ lang hoặc cọc tiêu từ  Km0+600 đến Km01+600 (phía trái) để tránh việc các xe tải đậu đỗ tạo bến cóc và người dân lấn chiếm buôn bán.

Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Vũ, TNGT tuy có giảm nhưng tình trạng mất ATGT tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Cụ thể, một số hộ dân mua bán lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông còn xảy ra và là nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao, nhất là ở tuyến Quốc lộ 1 (đoạn thuộc khu vực huyện Cái Bè, khu vực Trạm thu phí cầu Mỹ Thuận cũ)…

Việc khắc phục, phòng ngừa tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường của chính quyền địa phương (nhất là cấp xã) chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp đơn vị chức năng đã thu dọn, xử lý giao lại cho chính quyền địa phương nhưng sau thời gian lại tái diễn.

Song song đó, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều vi phạm, người dân biết rõ luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, tiềm ẩn xảy ra TNGT cao. Các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm về tốc độ, đi sai làn đường, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không Giấy phép lái xe…

Ngoài ra, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành đoàn điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, rú ga... gây mất TTATGT, trật tự công cộng có lúc, có nơi vẫn còn xảy ra.

Công tác nắm tình hình, nhất là công tác điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, nhất là các đối tượng cầm đầu, tổ chức đua xe; đối tượng thực hiện hành vi đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, đối tượng tụ tập cổ vũ của lực lượng CSGT một số địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát, chưa đảm bảo liên tục, khép kín tuyến, địa bàn, phân cấp phụ trách.

TUẤN LÂM

 

.
.
.