Thứ Sáu, 24/11/2023, 10:30 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn

Sự quyết liệt, kiên trì tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng đã tạo chuyển biến tích cực trong xã hội và nhân dân dần ý thức hơn khi uống rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo chân Tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Tiền Giang thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến Quốc lộ 50 (TP. Mỹ Tho). Sau 1 giờ đồng hồ, Tổ công tác liên tục kiểm tra nhanh nồng độ cồn đối với hàng chục trường hợp, trong đó phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tước Giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện.

 Lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến Quốc lộ 50.
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến Quốc lộ 50.

Anh T.N.L., ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho cho biết: “Do tính chất công việc nên thường xuyên phải tiếp khách, ban đầu khi uống rượu, bia, tôi còn tìm cách né tránh lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tôi dần nhận thấy việc điều khiển phương tiện giao thông mà uống rượu, bia, có nồng độ cồn trong người là hết sức nguy hiểm, rất dễ gây tan nạn giao thông. Do đó, hiện nay mỗi khi tiếp khách, dự tiệc… tôi thường thuê tài xế đưa đi, hay đón taxi làm phương tiện di chuyển”.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 10.055 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 10.055 phương tiện, vi phạm nồng độ cồn tăng 209,9% (tăng 6.811 vụ) so với cùng kỳ.

Chỉ trong 1 tháng gần đây, lực lượng CSGT phát hiện, xử lý 1.609 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.609 phương tiện, 1.609 giấy tờ, nộp phạt trên 5,533 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung đều giảm, số vụ, số người chết được kiềm chế và kéo giảm, đặc biệt số vụ liên quan đến nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với cùng kỳ.

Kết quả trên cho thấy, việc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như của cả nước đang mang lại những hiệu quả bước đầu, tác động tích cực đến đời sống xã hội, dần tạo được thói quen trong nhân dân “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn mà còn phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật khác.

QUYẾT LIỆT XỬ LÝ

Với sự ra quân quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng CSGT thực sự đã tạo ra nhiều chuyển biến trong suy nghĩ cũng như thói quen của nhân dân, đang phát huy tác dụng tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông.

Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tối đa việc vi phạm về nồng độ cồn, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh vừa ký văn bản về việc chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Theo đó, văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố phải đảm bảo 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành quy định “đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông”.

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn phải chỉ đạo xử lý nghiêm khi nhận được văn bản thông báo của lực lượng CSGT.

Đồng thời, công khai thông báo những trường hợp vi phạm trong cơ quan, đơn vị, địa phương để làm gương cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động khác.

Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác nhằm triển khai có hiệu quả hơn nữa trật tự, an toàn giao thông, thực hiện đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, với phương châm xử lý “không có vùng cấm, không ngoại lệ”.

Việc kiểm tra, xử lý sẽ không dừng lại mà vẫn sẽ tiếp tục thực hiện. Điều này sẽ tạo nền nếp, thói quen cho người tham gia giao thông trên tinh thần “đã uống rượu, bia không lái xe”, từ đó giúp người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông một cách nghiêm túc hơn.

Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc kiềm chế, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông từ việc siết chặt trong công tác và chấp hành các quy định của pháp luật đã tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao trong dư luận.

Với những giải pháp quyết liệt và xử lý nghiêm, mong rằng mọi người tham gia giao thông sẽ từng bước ý thức và hình thành thói quen tham gia giao thông văn minh, thượng tôn pháp luật để không xảy ra vụ việc đáng tiếc do nồng độ cồn.

TUẤN LÂM

.
.
.