Thứ Năm, 02/11/2023, 20:40 (GMT+7)
.

Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh

(ABO) Chiều ngày 2-11, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến Chuyên đề về bảo đảm ATGT đối với học sinh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo Bộ Công an, gần 1 năm qua (từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-10-2023), cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc, làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc).

So với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương. Trong số vụ TNGT có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Ngoài ra, cả nước xảy ra 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 537 mô tô. Đặc biệt, xảy ra 16 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 10 đồng chí, đã bắt giữ 16 đối tượng trong lứa tuổi học sinh bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý.

Tại hội nghị các bộ, ngành, địa phương cùng thảo luận các nguyên nhân, hạn chế, tồn tại và giải pháp  đảm bảo ATGT đối với học sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá hội nghị đã “mổ xẻ” rất nhiều vấn đề quan trọng, từ ý thức người dân đến các mô hình đạt hiệu quả. Có nhiều giải pháp đã có từ lâu nhưng các địa phương đã tổ chức thực hiện như thế nào trong thời thời gian qua. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan trước tình hình TNGT trong học sinh, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ TNGT thấp. Đồng thời, các địa phương phải xác định trách nhiệm người đứng đầu, nếu cần đưa nội dung về ATGT vào kiểm điểm cuối năm tại các địa phương, có thể là tại các trường học.

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên tuyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

TUẤN LÂM

 

.
.
.