Tiền Giang: Tăng cường kiểm tra bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
(ABO) Một trong những mục tiêu quan trọng mà Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đặt ra trong năm 2024 là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Đồng thời, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông như: trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, khu vực cầu Rạch Miễu… không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Để thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cần tập trung thực hiện tốt nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau. Đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính. |
Đồng thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa; kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và chống tái lấn chiếm phạm vi phần đất dành cho đường bộ, đặc biệt là phần đất đã được đền bù giải phóng mặt bằng trên tất cả các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị.
Quản lý chặt chẽ công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa, bảo đảm các phương tiện khi tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật vệ sinh môi trường; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến phà trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngay sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua.
Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số với các nội dung phù hợp với từng đối tượng; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp vận tải.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: TUẤN LÂM. |
Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực quản lý, điều hành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng, đơn vị chức năng, nhất là trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông, đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép đối với người và phương tiện giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Song song đó, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; cải thiện năng lực sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế xã, phường, trạm y tế; nâng cao năng lực chuyên môn, phương tiện, trang thiết bị cho bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện bảo đảm khả năng tiếp cận hiện trường và cứu chữa đa số thương tích cho nạn nhân tai nạn giao thông; khẩn trương xây dựng ứng dụng báo thông tin tai nạn giao thông trên nền tảng kỹ thuật số nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý và khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông…
PV