Thứ Bảy, 17/02/2024, 17:18 (GMT+7)
.

Gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy là hành vi đáng lên án

(ABO) Thời gian qua, nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sau khi gây ra tai nạn nghiêm trọng đã bỏ rơi người bị nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường, cố tình không đến cơ quan Công an để trình báo. Nhiều nạn nhân bị thương nặng, không kịp thời được cấp cứu dẫn đến tình trạng nguy kịch hoặc tử vong. Đây là những hành vi đáng lên án, không chỉ vi phạm về mặt đạo đức và ứng xử trong văn hóa giao thông, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 15-2 trên quốc lộ 1 và tài xế bị tạm giữ.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 15-2 trên Quốc lộ 1 và tài xế bị tạm giữ.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông rồi bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường khiến dư luận bất bình. Riêng địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã xảy ra không ít vụ việc tương tự.

Mới đây nhất là tối 15-2-2024, trên Quốc lộ 1 (đoạn thuộc địa bàn xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn làm 1 người tử vong tại chỗ. Vào thời điểm trên, 3 xe máy mang biển kiểm soát 94D1-135.XX, 63G1-255.XX, 63G1-172.XX và ô tô mang biển kiểm soát 63C-172.XX đang dừng chờ đèn đỏ trên Quốc lộ 1 thì bị ô tô tải lưu thông cùng chiều va chạm. Hậu quả vụ va chạm làm 1 người tử vong tại chỗ, 3 xe máy bị hư hỏng, ô tô 63C-172.XX bị hư hỏng nhẹ. Nghiêm trọng, sau khi xảy ra vụ tai nạn, người điều khiển xe ô tô tải đã điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường. Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an Tiền Giang đã trực tiếp liên hệ với CSGT các tỉnh, thành… để xác định và truy bắt đối tượng điều khiển phương tiện gây tai nạn.

Lập tức ngay sau đó, đối tượng điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 51C-572.87 đã bị lực lượng CSGT Tiền Giang theo dõi và phối hợp CSGT tỉnh Long An chặn bắt trực tiếp tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đối tượng được xác định là Nguyễn Huỳnh Thành (sinh năm 1995, nơi cư trú quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Đối tượng Thành và phương tiện gây tai nạn đã được giao Công an huyện Cái Bè điều tra và làm rõ.

Hoặc trước đó, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 2 năm tù đối với bị cáo Mai Văn Khởi (40 tuổi, ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Bị cáo Khởi tại Hội đồng xét xử.
Bị cáo Khởi tại Hội đồng xét xử.

Được biết, xe của ông Khởi chạy trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương khi đến địa phận xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thì phát hiện xe bị sự cố nên ông cho xe chạy chậm và dừng lại ở làn đường sát dải phân cách để kiểm tra. Lúc này, chiếc xe khách 16 chỗ chạy đến thì xảy ra va chạm với xe container do ông Khởi cầm lái đang đậu cùng chiều phía trước. Trên xe khách có 12 người, trong đó 11 người khách và tài xế. Sau vụ tai nạn trên cao tốc, ông Khởi thấy phần đầu xe khách bị biến dạng nặng, những người trên xe khách 16 chỗ bị tai nạn la lớn, kêu cứu và đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện nhưng ông Khởi không cứu giúp, không trình báo Công an, mà lái xe rời khỏi hiện trường. Hậu quả làm tài xế xe khách tử vong tại chỗ, 2 hành khách bị thương nặng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cấp cứu. 2 người khách trên xe là cậu và cô của cô dâu cũng tử vong sau đó, nhiều người bị thương. Đến ngày 11-2, một người nữa cũng tử vong do bị thương quá nặng. Tổng số người chết trong vụ tai nạn trên là 4 người.

Nói về tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT - Công an Tiền Giang cho biết, hiện nay, một bộ phận người dân thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi xảy ra va chạm trên đường. Chỉ vì sự thiếu bình tĩnh, không làm chủ được hành vi và đặc biệt là tình trạng không chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đã dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc. Người thì bị thương, thậm chí mất mạng; người thì phải đối mặt với hình phạt của pháp luật.

“Trong thời gian tới, để những vụ việc tương tự không xảy ra, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến người dân, người tham gia giao thông; đồng thời, cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy” - Thượng tá Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.

Có thể nói, tai nạn giao thông là điều mà không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi tai nạn giao thông xảy ra, mọi người nên chấp nhận đối mặt với hậu quả như một sự cố trong cuộc đời để có cách giải quyết phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Những hành vi bỏ trốn hay bỏ rơi người bị nạn sau khi xảy ra tai nạn giao thông là hành vi không chỉ coi thường pháp luật, mà còn đáng bị lên án của xã hội.

Theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ thì:

Đối với người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô nếu thực hiện hành vi này sẽ bị áp dụng mức xử phạt từ 6.000.000 đồng đên 8.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng. Cùng với việc phải chịu hình phạt trên, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù và người gây tai nạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự đối với người bị gây tai nạn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan Công an, Y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

LONG GIANG

.
.
.