Sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến khi đủ điều kiện
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị của cử tri về việc khẩn trương xây dựng làn dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đánh giá của phía Bộ GTVT, thời gian qua, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đầu tư phát triển đường bộ cao tốc nói riêng là rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm phù hợp quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, vừa bảo đảm khả năng cân đối vốn; đồng thời, để sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khiến kẹt xe kéo dài. Ảnh: KHẮC CƯỜNG |
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án.
Công trình dự án đã được triển khai hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 4-2022 theo quy mô phân kỳ, giai đoạn 1 đầu tư và khai thác với 4 làn xe, có bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng. Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, việc vận hành tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ còn một số hạn chế như tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời, tốc độ khai thác chưa cao...
Để khắc phục hạn chế trong vận hành, khai thác đường bộ cao tốc có quy mô phân kỳ, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương (TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang) nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô hoàn chỉnh và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền khi đủ điều kiện. Khi triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường nói trên theo quy mô quy hoạch sẽ thực hiện việc xây dựng làn dừng xe khẩn cấp để khai thác, đảm bảo an toàn giao thông.
Mới đây, Bộ GTVT ban hành Thông tư 06 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT về đường bộ cao tốc. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2024. Cụ thể, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc). |
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương có tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, được đưa vào khai thác từ năm 2010 và tổ chức thu phí từ năm 2011. Sau đó, được bán quyền thu phí trong giai đoạn 2014 - 2018.
Từ đầu năm 2019 tới nay, tuyến cao tốc này không thu phí. Sau hơn 12 năm hoạt động, lưu lượng phương tiện trên tuyến đã đạt 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên gặp ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, khả năng thông hành của tuyến cũng đã không còn đảm bảo, khi tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt 60 - 70 km/h (so với thiết kế là 100 - 120 km/h).
Còn đối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) đầu tiên ở khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng. Sau 13 năm triển khai, đến 4-2022, cao tốc được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây.
Phương tiện đi vào làn đường khẩn cấp trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ảnh: ANH THƯ |
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có tốc độ tối đa 80 km/h, tuy nhiên với các làn dừng khẩn cấp không liên tục, chỉ cần một sự cố va chạm đã đủ để tạo ra ùn tắc kéo dài. Điển hình như giữa tháng 2-2024, trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn qua địa phận TX. Cai Lậy) đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn khiến nhiều xe hư hỏng nặng, kẹt xe kéo dài hướng về TP. Hồ Chí Minh.
Bộ GTVT cho biết, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc này có quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn phân kỳ đầu tư, tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô của giai đoạn hoàn chỉnh.
Năm 2023, trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5 người và bị thương 11 người. Trong quý I-2024, trên tuyến cao tốc này xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 8 người. |
Dự án do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 30-4-2022 và chính thức thu phí từ ngày 9-8-2022. Sau khi vận hành, khai thác đã cho thấy còn một số bất cập như bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp với mật độ thấp (8 km - 10 km).
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương cần sớm mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 120 km/h. Đối với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cần tiến hành mở rộng trong giai đoạn 2 với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Thời gian qua, ô tô lưu thông vào làn dừng khẩn cấp trở thành “chuyện hằng ngày” trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn cản trở các xe ưu tiên hay các xe đang gặp sự cố trên đường và đã có trường hợp, tài xế không chỉ cố tình đi vào làn khẩn cấp mà còn cản trở cả xe cứu thương đang làm nhiệm vụ.
HÀ NAM