.

Tiền Giang bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới

Cập nhật: 09:28, 27/05/2024 (GMT+7)

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 10 ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được duy trì ổn định, phương tiện tham gia giao thông an toàn, thông suốt; không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng.

DIỄN BIẾN VẪN CÒN PHỨC TẠP

Với tinh thần thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Công an tỉnh huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Xử lý kiên trì, quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, chở hàng quá tải, quá khổ, tự ý cải tạo phương tiện, cơi nới thành thùng, chở quá số người quy định.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua địa  bàn tỉnh Tiền Giang).
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang).

Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT tăng 2/3 tiêu chí so với thời gian trước liền kề. Việc tổ chức giao thông, đầu tư nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục các bất cập trong tổ chức giao thông, nguy cơ tiềm ẩn TNGT chưa kịp thời. Tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông chưa được xử lý triệt để. Cá biệt có trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang chưa gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Tiền Giang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 nhằm giảm ùn tắc giao thông cầu Rạch Miễu (Quốc lộ 60), cầu Mỹ Đức Tây, cầu Bà Lâm trên Quốc lộ 1; có kế hoạch đầu tư xây dựng các cầu hẹp còn lại trên Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Tiền Giang (gồm các cầu Bà Đắc, An Cư, Thông Lưu). Đồng thời, hạn chế xe 3 trục qua cầu Rạch Miễu để giảm ùn tắc giao thông, TNGT. Đầu tư dải phân cách cứng trên Quốc lộ 1 để phân làn ô tô và mô tô nhằm giảm thiệt hại về người do TNGT gây ra. Quan tâm khắc phục kịp thời bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các “điểm đen” về TNGT trên tuyến Quốc lộ 1; lắp đặt kịp thời hệ thống chiếu sáng, đèn cảnh báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông tại các khu vực đông dân cư, các giao lộ nơi thường xảy ra TNGT.

Về hạ tầng giao thông, hiện nay, cầu Rạch Miễu mặt cầu hẹp, độ dốc cao, lượng phương tiện tham gia giao thông qua cầu trung bình hằng ngày từ 25.000 đến 29.000 lượt xe ô tô (thiết kế cầu Rạch Miễu 6.000 lượt xe ô tô); 30.000 đến 40.000 lượt mô tô các loại, quá tải so thiết kế cầu, đây là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, TNGT. Tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang với lưu lượng phương tiện trên 50.000 lượt mỗi ngày. Tuy nhiên, tuyến này mặt đường phân làn xe mô tô hẹp, không có dải phân cách cứng phân làn ô tô, mô tô; khu vực dân cư nằm sát mép Quốc lộ 1 không có phần đường nội bộ cách biệt, do đó khi xảy ra tai nạn giữa xe ô tô và mô tô, bộ hành thiệt hại về người rất cao.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang dài 51,2 km đưa vào khai thác ngày 30-4-2022, với tốc độ tối đa 80 km/h, lưu lượng phương tiện ngày, đêm trên 33.000 lượt, cao điểm khoảng 48.000 lượt. Tuy nhiên, chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp với khoảng cách trung bình 10 km/1 dải, bên trái 5 điểm dừng và bên phải 6 điểm dừng). Chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2 m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt là xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ, xử lý kịp thời các sự cố ở mọi vị trí; làn dừng khẩn cấp không liên tục, chỉ cần một sự cố va chạm đã đủ để tạo ra ùn tắc giao thông kéo dài.

TẬP TRUNG NHIỀU GIẢI PHÁP

Với những diễn biến trên, Tiền Giang tiếp tục tập trung rà soát các nội dung, nhiệm vụ theo Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ để xác định những nội dung chưa hoặc chậm thực hiện, còn tồn tại, hạn chế để chấn chỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác của UBND tỉnh nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đầy đủ, hiệu quả trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT, nhằm đạt được mục tiêu kiềm chế và kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương trong năm 2024. Xem xét xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Từ ngày 19-4-2023 đến ngày 19-4-2024, toàn tỉnh xảy ra 337 vụ TNGT, làm 243 người chết và bị thương 155 người. So với thời gian liền kề tăng 22 vụ, tăng 27 người chết và giảm 23 người bị thương.

Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện và xử lý 63.463 vụ vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 140 tỷ đồng. Trong đó, phát hiện và xử lý vi phạm về nồng độ cồn 16.052 vụ, quá tải trọng 2.264 vụ; tốc độ 25.279 vụ… Xử lý vi phạm về hành lang ATGT đường bộ hơn 2.000 vụ. Quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin, phản ánh các vi phạm TTATGT cho cơ quan chức năng xử lý 28 trường hợp.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Tiếp tục quán triệt, yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cam kết, gương mẫu chấp hành nghiêm và vận động người thân, gia đình chấp hành các quy định pháp luật về giao thông, nhất là “đã uống rượu, bia không lái xe”, không can thiệp vào việc xử lý của các cơ quan chức năng. Mọi vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của ngành.

Lực lượng Công an huy động lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các TNGT. Thực hiện nghiêm việc thông báo, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị, địa phương về tình hình vi phạm ATGT, TNGT có liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên để có hình thức tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm theo quy định. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi tụ tập, gây mất TTATGT, phòng, chống đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu và trấn áp tội phạm trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ và trong đô thị.

Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời đề nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức giao thông phù hợp thực tiễn; chú trọng các tuyến, địa bàn giao thông phức tạp và giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị vẫn để xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ thông minh để phục vụ quản lý, điều hành, giám sát giao thông, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT.

Đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Cảnh sát giao thông đảm bảo đồng bộ, kết nối với Bộ Công an. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường xử lý vi phạm qua hình ảnh. Thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, bảo đảm thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý Nhà nước về TTATGT…

HÀ NAM

.
.
.