.
THANH TRA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH TIỀN GIANG:

Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Cập nhật: 09:29, 28/08/2024 (GMT+7)

Trong những tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Trong những tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở GTVT tăng cường thực hiện trọng tâm đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ, xử lý “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn. Qua kiểm tra, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm. Trong đó, đơn vị phối hợp xử lý 7 vụ; Thanh tra Sở GTVT lập biên bản và xử phạt hơn 90 vụ (23 vụ tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, 14 vụ tước quyền sử dụng phù hiệu), phạt tiền hơn 420 triệu đồng. Trên lĩnh vực đường thủy, Thanh tra Sở GTVT phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm 9 vụ; phạt tiền 7 triệu đồng.

Thanh tra Sở GTVT tỉnh thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe.  Ảnh: MINH THÀNH
Thanh tra Sở GTVT tỉnh Tiền Giang thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe. Ảnh: MINH THÀNH

Bên cạnh đó, xử lý vi phạm về hành lang ATGT có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ATGT và bảo vệ công trình đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng hành lang ATGT bị nhiều người dân lấn chiếm vẫn diễn ra thường xuyên. Trên thực tế, các cấp, các ngành và lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang đường bộ, bảo đảm đường thông, hè thoáng… Song, việc vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra phức tạp, rất cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, thực hiện kiểm tra các biện pháp đảm bảo ATGT trong thi công công trình trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thi công xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh 11 giấy phép thi công công trình do Sở GTVT cấp phép.

Kết quả, kiểm tra thực tế có 5 công trình đã thi công xong, đảm bảo dọn quang các vật tư phế liệu trên đường, phục hồi hiện trạng ban đầu tại công trường thi công đúng theo nội dung giấy phép đã cấp; 2 giấy phép tại thời gian kiểm tra chưa tiến hành thi công; 3 công trình đang thi công thực hiện đúng theo giấy phép đã cấp đảm bảo các biện pháp ATGT trong quá trình thi công.

Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các ngành chức năng cần triển khai, bố trí các khu buôn bán tập trung một cách hợp lý để tạo dần thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân. Đó cũng là cách để người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn lề đường, vỉa hè, tạo nên diện mạo mới cho đô thị.

Đồng thời, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm, tái phạm việc lấn chiếm, sử dụng hành lang ATGT. Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp với Ban ATGT các huyện, thị, thành và chính quyền xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm.

Có 1 giấy phép thi công công trình xây dựng trụ mới điện trung thế dọc theo hành lang an toàn đường bộ đường tỉnh 878 (xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành và xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước) cấp cho Công ty Điện lực Tiền Giang đang trong quá trình thi công nhưng qua kiểm tra nhận thấy có 9 trụ điện cách tim lộ đường tỉnh 878 là 28 m so với giấy phép thi công của Sở GTVT là 35,5 m.

Theo trình bày của đơn vị thi công, do phần bên trong là đất của người dân địa phương. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị thi công và Công ty Điện lực Tiền Giang di dời hoặc bổ sung giấy phép thi công theo quy định.

Tất cả những hành vi vi phạm hành lang ATGT đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người dân. Để chấn chỉnh và xóa bỏ thực trạng trên, Thanh tra giao thông đặt ra giải pháp là các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, các tầng lớp nhân dân, bảo đảm duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, kết hợp với xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Để thực hiện tốt việc này, chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình nằm dọc các tuyến đường để tuyên truyền, xác định chỉ giới hành lang; thực hiện rà soát, thống kê, phân loại đối tượng vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT và các hành vi khác để thông báo và tổ chức ký cam kết với các hộ vi phạm; vận động, thuyết phục để người dân tự giác tháo dỡ các công trình sai phép, trả lại mặt bằng ban đầu; đồng thời tiếp tục giải tỏa hành lang ATGT nhiều lần trên một tuyến đường, một khu dân cư khi có dấu hiệu tái phạm.

Bên cạnh đó, đi đôi với tuyên truyền là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền của cơ quan chức năng. Trong đó, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa; tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, xử phạt nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm và tái vi phạm hành lang ATGT. Tập trung dẹp, dỡ các hộ có mái che, bạt quảng cáo và bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang ATGT, bảo đảm cho đường thông, hè thoáng.

Song song đó, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, cần xử lý quyết liệt, không nể nang, không ngại va chạm khi xử lý các hành vi vi phạm hành lang ATGT, tránh tình trạng sau mỗi đợt ra quân giải tỏa, vi phạm đâu lại vào đấy. Cần có chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm không đủ sức răn đe; thường xuyên kiểm tra, giải tỏa các điểm mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các hộ dân, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được việc bảo vệ hành lang ATGT là trách nhiệm của mỗi người.

HÀ NAM - T.T

 

.
.
.